Văn hóa công sở trong tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước

Thứ tư - 26/04/2023 08:21 7.462 0

Hiện nay, cùng với với quyết tâm cải cách hành chính của chính quyền các cấp, văn hoá công sở đang được mọi tầng lớp xã hội quan tâm. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy văn hóa công sở là một dạng đặc thù của văn hóa xã hội bao gồm tổng thể các giá trị, chuẩn mực, cách hành xử trong hoạt động công sở mà các thành viên trong công sở thừa nhận và tuân theo để ứng xử với nhau trong nội bộ công sở và phục vụ xã hội.

Công sở là khái niệm chỉ trụ sở của cơ quan nhà nước. Do đó, công sở là một bộ phận hợp thành tất yếu của thiết chế bộ máy quản lý nhà nước, và còn là một thiết chế xã hội. Văn hoá công sở là một hệ thống được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin giá trị về thái độ của các nhân viên làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc trong công sở và hiệu quả hoạt động của nó. Văn hóa công sở xuất phát từ chính vai trò của công sở trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bản thân bộ máy hành chính. Có thể dễ dàng nhận thấy văn hóa công sở là một dạng đặc thù của văn hóa xã hội bao gồm tổng thể các giá trị, chuẩn mực, cách hành xử trong hoạt động công sở mà các thành viên trong công; sở thừa nhận và tuân theo để ứng xử với nhau trong nội bộ công sở và phục vụ xã hội.

Xây dựng văn hoá công sở là xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, với những nguyên tắc nhất định và cách vận hành đặc thù. Nó đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ quản lý cũng như đội ngũ cán bộ, công chức phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động chung của đơn vị mình. Muốn như thế cán bộ, công chức phải tôn trọng kỷ luật cơ quan, phải chú ý đến danh dự của cơ quan trong cư xử với một người, đoàn kết và hợp tác trên những nguyên tắc chung, chống lại bệnh quan liêu, hách dịch, cơ hội, bè phái.

*Một vài biểu hiện thiếu văn hóa trong công sở hiện nay

Đầu tiên là những biểu hiện thiếu văn hóa trong việc thiết lập hệ thống mục tiêu cá nhân trong công sở. Thực tế trong nhiều công sở ở nước ta hiện nay không có sự giao thoa giữa mục tiêu chung của công sở và mục tiêu riêng của từng cán bộ, công chức mà biểu hiện thường nhất đó là nhiều người chỉ xem công sở là một đòn bẩy, một nơi trú chân để từ đó tiến thân. Cán bộ, công chức không quan tâm đến nhiệm vụ của tổ chức mình đang phục vụ, dẫn đến thái độ và hành vi “chọn việc”, nghĩa là cơ quan, đơn vị nào việc nhẹ nhàng, dễ dàng, lại cho thu nhập khác ngoài lương thì dễ là đối tượng nhắm đến (hay thi tuyển vào).

Thứ hai, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân, mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục cho nhân dân còn phiền hà, sách nhiễu, chậm trễ, cá biệt còn có tình trạng “làm luật”; hay giải quyết các yêu cầu, đơn thư của công dân còn chậm, để người dân phải đi lại nhiều lần.

Thứ ba, không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc của đồng nghiệp là một trong những thực tế tồn tại trong một số công sở hiện nay. Nhiều khi đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tuy có tiêu chí mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhưng nhiều lúc kết quả đánh giá lại thiên về những điều không ăn nhập gì với chuyên môn như: tuổi tác, mối quan hệ cá nhân của người được đánh giá..., dẫn đến suy giảm niềm tin, giảm nhiệt huyết, dần thay đổi thái độ làm việc.

Thứ tư, một số quy định bắt buộc về văn hóa công sở chưa được thực hiện nghiêm túc như:  Vi phạm thời giờ làm việc, lãng phí thời gian làm việc (buôn chuyện tại công sở, làm việc riêng trong giờ hành chính hoặc trong thời gian đi công tác…), lãng phí nguồn lực công (tiền điện thoại, tiền điện, nước, vật tư văn phòng…) cũng như chất lượng công việc. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định vẫn còn có tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” ; Việc thực hiện quy định cấm sử dụng rượu, bia trước giờ làm việc, buổi trưa ngày làm việc (có thể vì lý do tiếp khách) tuy không còn phổ biến nhưng cũng vẫn là một vấn đề phải đặt ra…

Nguyên nhân chủ yếu là cách đối xử hiện nay tại công sở hầu hết vẫn dựa trên tư duy và thói quen duy tình trước đây (“Đưa nhau đến trước cửa quan, bên ngoài là lý, bên trong là tình”, Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”) nên việc vi phạm thường dễ bị cho qua, nhất là khi người vi phạm là lãnh đạo.

Thứ năm, một điểm còn tồn tại nữa là thói quen dựa vào tập thể, sống theo tập thể mà không có chính kiến cụ thể, thiếu ý thức cải tiến, đấu tranh chống lại thói quen xấu, cách làm xấu “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức với tư duy “nước trôi thì bèo trôi”, “nước nổi thì thuyền nổi”, “xấu đều hơn tốt lỏi”cá biệt dẫn đến sai phạm mang tính chất tập thể trong thời gian dài, khi phát hiện ra thì ngụy biện “ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật” .

*Xây dựng văn hóa công sở dựa trên các cơ sở

1. Xây dựng được hệ giá trị chuẩn về văn hóa công sở

Yêu cầu đầu tiên là phải có được “Bộ chuẩn mực văn hóa tại các cơ quan, đơn vị của nhà nước” được ban hành ở cấp độ luật. Bên cạnh đó, phải có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm những chuẩn mực về văn hóa trong công sở. Để đạt được những giá trị văn hóa công sở, chỉ thực hiện được bằng cách cấp trên làm trước nêu gương, cấp dưới làm sau; lãnh đạo làm gương để nhân viên noi theo, tất cả cán bộ, công chức, viên chức cùng hành động. Khi nào cán bộ, công chức có niềm tin vững chắc vào những giá trị văn hóa mà công sở đang theo đuổi, khi đó những biểu hiện thiếu văn hóa tại các cơ quan nhà nước sẽ dần bị loại bỏ.

2. Xây dựng bầu không khí tâm lý công sở

Bầu không khí tâm lý thể hiện mức độ hòa hợp các đặc điểm tâm lý trong quan hệ liên nhân cách của cán bộ, công chức và được hình thành từ thái độ của mọi người trong tổ chức, cơ quan nhà nước đối với công việc, đồng nghiệp và người lãnh đạo của họ. Nếu không khí làm việc cởi mở, tin tưởng lẫn nhau sẽ khơi nguồn được sự sáng tạo của các thành viên và ngược lại, nếu bầu không khí nặng nề, căng thẳng sẽ là rào cản đối với hoạt động của công sở. Không thể có một công sở văn hóa nếu trong nội bộ luôn tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên, cấp trên đề phòng cấp dưới, cán bộ, công chức khi làm việc chỉ để đến tháng nhận lương, ngoài ra không quan tâm đến những vấn đề khác…

Do đó, người lãnh đạo, quản lý phải vừa duy trì động lực làm việc của cán bộ, công chức vừa phải thường xuyên cải tiến để tránh tạo ra “sức ỳ” thông qua tạo lập, truyền cảm hứng và duy trì cảm hứng, động lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong công sở.

3. Xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm

Chuyên nghiệp, hiểu theo nghĩa chung nhất là mỗi người chuyên tâm vào công việc của mình, toàn tâm, toàn ý để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất; chuyên nghiệp là có sự hiểu biết rộng và giỏi một lĩnh vực cụ thể. Trong hành chính công vụ, chuyên nghiệp còn là biết cách phối hợp, điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất; tác phong làm việc năng động, khoa học kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào công việc. Trách nhiệm trong giải quyết công việc là việc thực hiện với niềm tin và sự chắc chắn, gắn với khả năng của mình vào trong công việc đó, đồng nghĩa với “đặt cược” danh dự cá nhân mình vào công việc được giao với mong muốn đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Tác phong chuyên nghiệp, trách nhiệm đòi hỏi từ cán bộ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức phải thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau đây:

a.Chuyên nghiệp trong thái độ, tác phong làm việc

Một trong những hạn chế khá phổ biến của cán bộ, công chức, viên chức là làm việc chưa khoa học, thiếu tâm huyết. Biểu hiện ở việc không tuân thủ thời gian (giờ cao su), làm việc chậm chạp, không có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, không biết sắp xếp ưu tiên việc làm trước-làm sau, dẫn đến công việc bị động, hiệu quả thấp, nhiều khi mang tính đối phó cho xong việc. Do đó, phải tạo lập được tác phong làm việc khoa học, đúng giờ, có kế hoạch, tiết kiệm thời gian.

b.Chuyên nghiệp trong xây dựng và coi trọng giá trị tập thể, luôn hướng đến sự đồng tâm hợp lực để đạt được kết quả cao nhất

Trong công sở mỗi người có một nhiệm vụ riêng nhưng mọi người phải thống nhất cho mục đích chung. Để xây dựng văn hóa công sở, cần biết cách cân bằng hai khái niệm “tập thể” và “cá nhân”. Và như vậy, tính độc lập của cán bộ, công chức cũng phải luôn gắn với tinh thần hợp tác tập thể “làm việc nhóm”; đồng thời tuy “việc ai nấy làm” nhưng không phải “mạnh ai nấy làm” mà phải có sự tương tác, hỗ trợ nhau phù hợp; người có kinh nghiệm, người đi trước hướng dẫn người đi sau, người mới vào.  

c.Chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử

Giao tiếp trong công sở là một khoa học và là một nghệ thuật. Hiệu quả giao tiếp của cán bộ, công chức góp phần xây dựng một nhà nước thân thiện, phục vụ nhân dân, ngoài ra giao tiếp hiệu quả giúp công sở hạn chế được những rủi ro như: so sánh, hiểu lầm, “bằng mặt không bằng lòng”… có thể dẫn đến phát sinh mất đoàn kết nội bộ, khiếu kiện. Đối với cá nhân, giao tiếp tốt còn mở rộng các mối quan hệ xã hội và nắm bắt nhanh chóng các cơ hội đến với bản thân.

Chuyên nghiệp trong giao tiếp ứng xử cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước, từng cán bộ, công chức phải làm tốt quan hệ công chúng trong thực thi công vụ. Nó hàm ý về việc truyền thông tốt hơn để duy trì niềm tin xã hội thông qua việc làm cho công chúng hiểu những gì đang diễn ra trong hoạt động công vụ một cách đầy đủ, cập nhật từ phía công chúng, nhằm hạn chế sự thiếu thông tin dẫn đến hiểu nhầm, xuyên tạc.

d. Chuyên nghiệp, chủ động trong tự trang bị, cập nhật cho mình những kiến thức mới, phù hợp để chủ động hoàn thành nhiệm vụ được giao

Cán bộ, công chức luôn giữ được thái độ học tập nghiêm túc cũng chính là biểu hiện thành đạt. Để chuẩn hóa bằng cấp, cán bộ, công chức có thể đăng kí các khóa đào tạo; còn nếu học để nâng cao hiểu biết (đây là mục đích cao nhất, đáng quý nhất) thì cán bộ, công chức có thể học mọi lúc, mọi nơi, nhất là nâng cao trình độ tin học trong điều kiện công nghệ phát triển như vũ bão trong dòng chảy của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình độ ngoại ngữ trong điều kiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”.

Đặc biệt, nâng cao trình độ không chỉ đòi hỏi ở cán bộ chuyên môn mà người lãnh đạo cũng cần phải luôn tự học để nâng tầm nhằm mục đích chỉ đạo, quán xuyến, phản biện, củng cố uy tín đích thực, loại bỏ dần uy tín giả danh, không để cán bộ, công chức dưới quyền đánh giá, xem thường về trình độ, khả năng của người quản lý.

e. Chuyên nghiệp ở tính kỷ luật, tích cực tham gia hoạt động 

Chuyên nghiệp cũng đồng nghĩa với tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong cơ hội thăng tiến. Một cán bộ, công chức chuyên nghiệp còn phải biết làm việc hết sức và chơi hết mình; thư giãn đúng lúc, đúng cách, phù hợp (tất nhiên không được quá đà, vi phạm) là biện pháp tốt nhất để phục hồi lại năng lượng đã mất.

f. Phát huy cao độ trách nhiệm

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã khẳng định chắc chắn rằng: “Đối với một nền quản trị quốc gia hiện đại, chế độ trách nhiệm là đòi hỏi quan trọng hàng đầu”.

Trách nhiệm ở đây nghĩa là luôn thực hiện công việc với tâm huyết và trí tuệ, đề cao lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của tập thể, cơ quan, đơn vị lên trên lợi ích cá nhân, coi trọng danh dự bản thân để hoàn thành công việc ở mức độ cao nhất, đồng thời khi có xảy ra sai phạm phải dám chịu trách nhiệm về hành vi của cá nhân mình hoặc tập thể mà mình là thành viên, chứ không phải chăm chăm đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể, biến tập thể trở thành “nơi trú ẩn trách nhiệm“, làm cho trách nhiệm của cá nhân lẫn vào trách nhiệm tập thể và cuối cùng là không quy kết được người nào cụ thể.

g. Đạo đức công vụ mang yếu tố sống còn

Đạo đức công vụ được thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi đạo đức, là quá trình tác động lẫn nhau giữa ý thức đạo đức và thực tiễn đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức mà nội dung của nó được thể hiện trong mối quan hệ với nhà nước, với nhân dân và tổ chức, với cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp thông qua giải quyết công việc và trong ứng xử, giao tiếp và thông qua sự hài lòng và tín nhiệm của đối tượng phục vụ với họ.

Trách nhiệm đạo đức mang nghĩa là trách nhiệm phục vụ, được đánh giá bởi dư luận xã hội đối với hoạt động mang tính quyền lực của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn để bảo vệ và phục vụ quyền lợi của nhân dân, của nhà nước. Do vậy, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước có hoàn thành hay không, hiệu quả như thế nào phụ thuộc vào chất lượng của hoạt động phục vụ của từng cán bộ công chức, viên chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và đề cao vấn đề đạo đức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, Người viết: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng“, “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định: “Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên, những biểu hiện thiếu văn hóa trong các cơ quan nhà nước sẽ là những rào cản cho sự phát triển chung của xã hội. Do đó, nhận thức đúng đắn và tích cực xây dựng văn hóa công sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại, hiệu quả, xây dựng một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hiệu quả”, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bên cạnh thể chế là con người thực thi công vụ với đạo đức, trách nhiệm, khả năng chuyên môn của họ. Nếu đã có đầy đủ quy định rồi thì con đường duy nhất đối với từng cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu mới trước công việc, nhiệm vụ là phải tự mình nhận thức và tự mình phải thay đổi-không còn lựa chọn nào khác.

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
cong bao tay ninh
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay295
  • Tháng hiện tại76,017
  • Tổng lượt truy cập743,381
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây