Tỉnh Tây Ninh ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo dễ sử dụng, thân thiện với người dùng

Thứ ba - 14/11/2023 18:39 147 0

Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 96% so với tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh (1.777 DVC trực tuyến), trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 731, chiếm 41,11% thấp so với trung bình cả nước là 43,67%

I. HIỆN TRẠNG

Ngày 31/10/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 ban hành quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tây Ninh làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 96% so với tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh (1.777 DVC trực tuyến), trong đó DVC trực tuyến toàn trình là 731, chiếm 41,11% thấp so với trung bình cả nước là 43,67%. Theo Công văn số 3109/BTTTT-CĐSQG ngày 01/8/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát trong năm 2023 phải đảm bảo tối thiểu 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Tỷ lệ hồ sơ nộp, xử lý và trả kết quả trực tuyến trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 43,08% (cấp tỉnh đạt 19,73%, cấp huyện đạt 71,84%, cấp xã đạt 98,49%). Tỷ lệ này đạt thấp là do: (1) Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở một số sở, ngành còn thấp theo số liệu thông kê tại phụ lục 1; (2) Các quy định về giải quyết TTHC hiện còn phức tạp tương tự như hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, dẫn đến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn ngay từ bước đăng ký tài khoản, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tuyến, mất nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ so với gửi trực tiếp. (3) Dữ liệu chưa được đồng bộ, liên thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên chưa tạo thuận lợi cho cán bộ trong thao tác nghiệp vụ, xử lý hồ sơ dẫn đến người dân còn phải cung cấp nhiều loại giấy tờ liên quan. (4) Thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn phổ biến. (5) Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh vẫn còn khó sử dụng, chưa thân thiện với người dùng.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC; nghiên cứu đề xuất mức giảm phí, lệ phí khi thực hiện các DVC trực tuyến; tiếp tục rà soát cắt giảm các thành phần hồ sơ của bộ TTHC thuộc các ngành, các lĩnh vực.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến của tỉnh trên cả 2 phương diện: Tăng tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến và tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thực tế phát sinh. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, xây dựng chính quyền số và xã hội số ngày càng toàn diện.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tận dụng tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các Bộ, ngành trung ương và của tỉnh phục vụ giải quyết TTHC một cách hiệu quả, góp phần hiện đại hoá và đơn giản hoá TTHC.

Hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dễ dàng thực hiện nộp hồ sơ TTHC trực tuyến từ xa.

2. Yêu cầu

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tập trung chỉ đạo và đề ra các giải pháp triển khai quyết liệt để đạt mục tiêu sau:

a) 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến.Phấn đấu hết năm 2023 đạt 80% và đến năm 2025 đạt 95% DVC trực tuyến của tỉnh cung cấp trực tuyến toàn trình.

b) Phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hồ sơ nộp, giải quyết và trả kết quả trực tuyến tối thiểu đạt 50% và đến năm 2025 tối thiểu đạt 80% trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

c) 100% DVC trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

d) 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền của tỉnh, tích hợp với hệ thống Quốc gia.

đ) 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

e) Trên 95% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thực hiện rà soát và lựa chọn các TTHC đủ điều kiện trong phạm vi sở, ngành, địa phương đảm bảo triển khai DVC trực tuyến toàn trình và một phần theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Phấn đấu đến hếtQuí I năm 2024 đạt 80% và đến năm 2025 đạt 95% thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp trực tuyến toàn trình.

Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, thẩm định kết quả từ các sở, ban, ngành, địa phương. Tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt kết quả.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Thời gian hoàn thành: Quí I Năm 2024 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

2. Hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Thời gian hoàn thành: Tháng 11 năm 2023.

3. Rà soát và tham mưu UBND tỉnh công bố lại bộ TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, lược bỏ các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu vàrút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính dạng trực tuyến toàn trình.

Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, thẩm định kết quả từ các sở, ban, ngành, địa phương. Tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt kết quả.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Thời gian hoàn thành: Thực hiện thường xuyên.

4. Nghiên cứu xem xét, đề xuất Hội đồng Nhân dân tỉnh giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC quy định phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Đơn vị chủ trì: Sở Tài chính tổng hợp kết quả từ các sở, ban, ngành, địa phương. Tham mưu đề xuất phương án cho Lãnh đạo UBND tỉnh.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2024.

5. Triển khai thí điểm một số dịch vụ công trực tuyến không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

6.Chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực triển khai hướng dẫn người dân ở địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến và phối hợp với các Hội, Đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các tiện ích số như: Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh trên mạng xã hội Zalo, Ứng dụng Tây Ninh Smart, Cổng Hỏi đáp trực tuyến, Cổng 1022, việc thanh toán không dùng tiền mặt...”.

Đơn vị thực hiện: UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

Thời gian hoàn thành: Từ năm 2023 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

7. Thực hiện các giải pháp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến thức, kỹ năng chuyên môn để bảo đảm phục vụ hoạt động cung cấp DVC trực tuyến.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp tập huấn, hướng dẫn khi có phát sinh mới hoặc thay đổi quy trình,...

Thời gian hoàn thành: Năm 2023 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

8. Đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để hỗ trợ triển khai DVC trực tuyến toàn trình.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

Thời gian hoàn thành: Từ năm 2023 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

9. Bảo đảm sẵn sàng chức năng ký số từ xa trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và thúc đẩy người dân sử dụng để thực hiện DVC trực tuyến.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương thực hiện tuyên truyền cho tổ chức và cá nhân sử dụng chữ ký số để thực hiện DVC trực tuyến.

Thời gian hoàn thành: Năm 2023.

10. Triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để lưu giữ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện dịch vụ công.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Thời gian hoàn thành: Năm 2023.

11. Nâng cấp các kênh tương tác, hỗ trợ người dân như Hệ thống hỏi đáp trực tuyến của tỉnh giúp giải đáp những câu hỏi của người dân và doanh nghiệp tiện lợi, nhanh chóng. Hệ thống tổng đài 1022 tiếp nhận phản ánh hiện trường mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương phối hợp trả lời các câu hỏi đảm bảo đạt chất lượng theo quy chế đã ban hành.

Thời gian hoàn thành: Năm 2023 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

12. Khai thác Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến của người dân (VNForm) do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai để khảo sát, thu thập ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình trải nghiệm TTHC trên môi trường mạng.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh.

Thời gian hoàn thành: Năm 2023.

13. Triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh bảo đảm tối thiểu 3 phương thức trao đổi thông tin, trạng thái về hồ sơ điện tử giữa người dân và Cổng dịch vụ công: email, SMS và thông báo trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Thí điểm trao đổi thông tin, trạng thái hồ sơ qua các ứng dụng OTT (như Zalo).

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Thời gian: Năm 2023.

14. Triển khai cung cấp DVC trực tuyến trên thiết bị di động bảo đảm thuận tiện cho người dân truy cập, sử dụng.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân sử dụng.

Thời gian hoàn thành: Năm 2023.

15. Hoàn thiện việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành của tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh.

Thời gian hoàn thành: Năm 2023 và thực hiện thường xuyên trong những năm tiếp theo.

16. Xây dựng Kế hoạch phát động chiến dịch 60 ngày tập trung hướng dẫn, sử dụng các DVC trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương tập trung rà soát bộ TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách đồng thời chỉ đạo 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn việc nộp hồ sơ DVC trực tuyến nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ nộp, xử lý và trả kết quả trực tuyến.

Thời gian hoàn thành: Quý II năm 2024.

17. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đơn vị thực hiện: Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trung tâm Văn hoá thể thao và Truyền thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã.

Thời gian hoàn thành: Thường xuyên.

18. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Đoàn thể, Nhà nước phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi làm TTHC.

 

Tác giả bài viết: Huỳnh Quí

Nguồn tin: Cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay972
  • Tháng hiện tại16,966
  • Tổng lượt truy cập1,791,379
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây