VAI TRÒ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thứ ba - 14/02/2023 13:50 1.093 0

Cải cách hành chính là nội dung quan trọng của nền hành chính nhà nước. Cải cách hành chính góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, duy trì sự phát triển của đất nước.

Tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, theo đó cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính nhìn chung được chủ động, thường xuyên thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Các cơ quan, đơn vị đã rà soát, bố trí, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; chất lượng văn bản được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân.

Đạt được kết quả như trên phụ thuộc lớn vào vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức - những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Để khẳng định vai trò của mình, đội ngũ cán bộ, công chức luôn chủ động, tích cực hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, thường xuyên đi cơ sở tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến phương pháp làm việc giúp công tác giải quyết hồ sơ cho người dân được tốt hơn. Bên cạnh những cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, vẫn còn một số cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, vô cảm, tư lợi gây khó khăn cho người dân. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước rất quan trọng. Để nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ, công chức trong cải cách hành chính, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành các biện pháp như sau:

Thứ nhất, Người được bố trí thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Trong kiểm tra, đánh giá phải dựa trên hiệu quả công việc, bảo đảm tính công tâm, khách quan; đánh giá, nhận xét đúng người, đúng việc nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có hành vi thiếu trách nhiệm, sai phạm nghiêm trọng xâm hại quyền lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, công dân. Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính phải đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công cần thiết. Bên cạnh, cơ quan nhà nước cần đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động cải cách hành chính: Hệ thống máy tính, phần mềm... nhằm rút ngắn quá trình chuyển tải hồ sơ, thông tin cần thiết giữa các bộ phận có liên quan cũng như giữa người dân với cơ quan nhà nước.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức cần nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức cũng phải đặt lợi ích của Nhân dân, của Đảng và Nhà nước lên hàng đầu. Trong giao tiếp, ứng xử với Nhân dân phải luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không thờ ơ, lơ là trước những yêu cầu, bức xúc của Nhân dân; tích cự đấu tranh với những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà đối với dân; đảm bảo giải quyết đúng quy trình, lịch hẹn theo quy định; luôn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân về thái độ phục vụ để điều chỉnh kịp thời. Mỗi cán bộ, công chức thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động học hỏi, giáo dục tính liêm chính, đạo đức công vụ, rèn luyện kỹ năng. Khi nắm chắc chuyên môn sẽ không ngừng sáng tạo trong xử lý công việc, giải quyết các tình huống đa dạng, phức tạp trong mối quan hệ với Nhân dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm với phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ nhằm đáp ứng nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của Nhân dân.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cải cách hành chính. Cải cách hành chính có tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục, lồng ghép tuyên truyền qua các đợt tập huấn chuyên ngành cho cán bộ, công chức hàng năm. Quá trình cải cách hành chính luôn thể hiện thông tin hai chiều giữa Nhà nước và Nhân dân, giữa cán bộ, công chức và người dân. Tuyên truyền về cải cách hành chính giúp người dân hiểu, nắm rõ quy trình, thủ tục, biết quyền, yêu cầu của mình được thực hiện như thế nào. Tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Ở cơ sở, duy trì chuyên mục cải cách hành chính trên phương tiện thông tin đại chúng; địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời tuyên truyền về kết quả cải cách hành chính cũng như giải đáp, xử lý những vướng mắc của người dân, qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, nâng cao sự hài lòng và tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức vào tiến trình cải cách hành chính. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước đẩy mạnh hơn nữa việc công khai các quy trình, thủ tục thực hiện công việc tại các điểm giao dịch giữa cơ quan nhà nước với người dân; thường xuyên khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức. Qua đó, cơ quan nhà nước có thể tìm hiểu, nắm rõ thêm về tâm tư, nguyện vọng cùa người dân, đây là cơ sở để nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Tóm lại, cải cách hành chính là nội dung quan trọng của nền hành chính nhà nước. Cải cách hành chính nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho dân. Cải cách hành chính thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Nhận thức đầy đủ về vai trò của cán bộ, công chức, việc cải cách hành chính trong thời gian tới sẽ có những bước tiến đáng kể, đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của Nhân dân./.

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh

Nguồn tin: TỔNG HỢP

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay370
  • Tháng hiện tại17,699
  • Tổng lượt truy cập1,792,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây