Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người tiên phong, phát huy vai trò báo chí trong sự nghiệp đổi mới

Thứ sáu - 23/06/2023 22:20 170 0

Đồng chí Nguyễn Văn Linh ( 1915-1998 ) tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915, quê thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà lãnh đạo kiên định, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ông là một trong những người có công lao to lớn góp phần hoạch định và chịu trách nhiệm cao nhất trong triển khai tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã đưa ra một nguyên tắc xuyên suốt của công cuộc đổi mới, đó là “lấy dân làm gốc”.  Ông cũng chính là người đi tiên phong, phát huy vai trò báo chí trong sự nghiệp đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội Đảng 6 - Đại hội “Đổi mới” của Việt Nam năm 1986.(Nguồn: TTXVN)

Ngọn cờ dọn đường cho đổi mới

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng. Là học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh  thấu hiểu những bài học “Bác Hồ là nhà cách mạng đầu tiên viết báo cách mạng”. Đất nước bước vào đổi mới, trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, công cuộc cải tổ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phạm sai lầm về chiến lược; đất nước ta bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, đời sống của cán bộ và nhân dân gặp nhiều khó khăn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Với Cơ chế quản lý cũ quan liêu, bao cấp đã gây ra sự trì trệ những cản trở do nhiều hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Cùng lúc đó, các thế lực đế quốc và phản động quốc tế triệt để lợi dụng tình hình để vu cáo, xuyên tạc, thực hiện “diễn biến hòa bình,” ra sức bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam.

 Những  năm tháng đó, Tổng Bí thư đã dồn sức lãnh đạo thực hiện những đột phá trên lĩnh vực kinh tế-tài chính, thực hiện phương châm của Đại hội VI như dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật.  Từ đó ông đưa ra phương châm chỉ đạo "Thực hiện đổi mới, thì việc chống tiêu cực đã thành nhiệm vụ quan trọng dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho nhân dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc. Đấu tranh chống tiêu cực trở thành nhiệm vụ quan trọng “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng, nhằm “làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, càng tốt đẹp hơn, dân ta mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân”.

Tổng Bí thư đòi hỏi báo chí phải là vũ khí sắc bén, nhà báo phải là chiến sĩ dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Nói về nhiệm vụ của Báo chí trong giai đoạn này đồng chí cũng nhấn mạnh “Nhiệm vụ của các cơ quan tuyên huấn, báo chí, trường đảng…là phải đi xuống cơ sở , điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng kết phổ biến các mô hình tốt để các nơi học tập cách làm theo cơ chế mới.Phải nhân rộng những đốm sáng ấy để đảy lùi bóng tối và tiêu cực. Những nơi làm tốt cũng chính là những nơi làm tốt việc chống tiêu cực, biết củng cố tốt tổ chức Đảng và các đoàn thể ”…

Nhà lãnh đạo- chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng

Ngay từ những bước đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm thấy những “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn” nên kịp thời đề xuất “Những việc cần làm ngay”.

Với phương châm nói đi đôi với làm Tổng Bí thư  cũng là người đi tiên phong, “nổ phát súng đầu tiên” trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực sau Đại hội VI bằng những bài báo sắc sảo, chính trực thể hiện rõ, quan điểm thái độ của tác giả. Ông đã khởi xướng chuyên mục " Những việc cần làm ngay" trên báo chí.

Ngày 25-5-1987, báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm: Những việc cần làm ngay. Tác giả ký tên N.V.L. Bài viết  đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng khi đó là việc giá cả tăng vọt. Ngay lập tức bài báo của tác giả N.V.L đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Trong những ngày sau,từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990 đã có 27 bài báo nhan đề Những việc cần làm ngay, ký tên N.V.L đăng trên báo Nhân Dân. Cái tên N.V.L dần trở nên quen thuộc đối với bạn đọc.  Tác giả N.V.L đã thẳng thắn, kiên quyết bày tỏ thái độ  : “Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Các báo từ bắc chí nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai phạm rất lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự im lặng đáng sợ. Mong rằng từ nay phải đổi mới, chấm dứt tình trạng này”.

Các vụ việc tác giả N.V.L nêu lên đều được đồng chí yêu cầu đích danh những cơ quan có trách nhiệm, những cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết triệt để và trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.  Những việc cần làm ngay trở thành một chuyên mục trên báo Nhân Dân được nhân dân ưa thích và tìm đọc. Chính Tổng Bí thư  nhận định: “Báo chí hưởng ứng đã có tác dụng tốt, tạo khí thế trong nhân dân để đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân. Phải tiếp tục phanh phui các vụ, việc và xử lý thật nghiêm.”

Vấn đề hàng đầu được Những việc cần làm ngay đề cập là chống tiêu cực. Trong những bài viết của mình, tác giả N.V.L phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu v.v của một số cán bộ có chức có quyền; phê phán việc ngăn sông cấm chợ, phê phán cơ chế bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông.

Những bài báo chống tiêu cực của tác giả N.V.L đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng. “Những việc cần làm ngay”  đã khởi động phong trào “Hưởng ứng Những việc cần làm ngay” trên các phương tiện thông tin đại chúng.  Theo nhà Báo Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân giai đoạn đó kể lại : Mỗi ngày toà soạn báo Nhân Dân nhận được hàng trăm lá thư của bạn đọc hưởng ứng Những việc cần làm ngay. Nhiều bộ, tỉnh, thành phố đã có chỉ thị Hưởng ứng Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L.

Sau này khi được hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích đó là “Nói và Làm”. Có thể thấy  đây cũng chính là cốt cách  của người lãnh đạo Đảng ta : Lời nói đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo.

Lãnh đạo nhiều cơ qian báo chí lúc đó nhớ lại : Nhiều cơ quan ngôn luận như báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuần tin tức, Thanh niên, Tuổi trẻ; các đài phát thanh và truyền hình… đã tích cực hưởng ứng Những việc cần làm ngay trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực và biểu dương, bồi dưỡng những cái mới, cái tốt đang nảy nở. Một xu thế đấu tranh  đánh vào thành trì của  bảo thủ, quan liêu trì trệ,  phá tan sự vô cảm, im lặng đáng sợ của những cơ quan, người đứng đầu có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.

Những bài báo “Những việc cần làm ngay” được đăng tải , ký tên N.V.L vào năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà Nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. 

Quá trình đổi mới đất nước, gần 40 năm nhìn lại, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, khẳng định thực tiễn báo chí cách mạng đã kiên trì luôn là binh chủng, lực lượng đặc biệt bảo vệ đường lối của Đảng, giữ vững định hướng chính trị, thực hiện định hướng, thông tin kịp thời, chính sách đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến ; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực,  tham nhũng, lãng phí, đấu tranh với thông tin, quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái, biểu hiện tiêu cực, trì trệ, góp phần kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cống hiến, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh (tổng hợp)

Nguồn tin: Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay722
  • Tháng hiện tại16,716
  • Tổng lượt truy cập1,791,129
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây