Một số kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn trong phòng cháy chữa cháy

Thứ ba - 03/10/2023 15:05 9.257 0

Công an Phường 1, thành phố Tây Ninh gửi đến công dân một số kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn trong phòng cháy, chữa cháy

1. Di chuyển nạn nhân khi có 1 người cứu

* Dìu người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nhẹ cân hoặc nặng cân nhưng còn tỉnh và đi lại được, tại khu vực môi trường an toàn hay có khói, khí độc.

- Nếu nạn nhân đang nằm thì chuyển nạn nhân sang tư thế nằm ngửa. Người cứu quỳ ngang hông;

- Giúp nạn nhân ngồi dậy, dùng đùi, gối sau đỡ lưng nạn nhân; Cầm tay nạn nhân quàng qua cổ và vai mình, tay còn lại luồn ra sau túm lấy thắt lưng, lai quần hoặc eo;

Giúp nạn nhân đứng dậy, đứng sang phía bị thương của nạn nhân (trừ 23 trường hợp bị thương ở tay, nách thì đứng sang bên kia);

Bước theo sải chân của nạn nhân.

Trong trường hợp nạn nhân còn đứng được thì có thể dìu nạn nhân đi luôn.

* Bế người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nhẹ cân, không đi lại được, tại môi trường an toàn hoặc có khói, khí độc.

- Nếu nạn nhân còn tỉnh: Giúp nạn nhân ngồi dậy, để nạn nhân tự ôm cổ người cứu.

 - Nếu nạn nhân bất tỉnh:

Để nạn nhân nằm ngửa, người cứu quỳ ngang hông, thực hiện động tác phần đầu giống như dìu nạn nhân, gối sau cao, gối trước quỳ;

Xốc nạn nhân ngồi lên đùi mình;

Luồn tay dưới đầu gối nạn nhân, tay còn lại túm eo đứng dậy bế nạn nhân đi. Người cứu chú ý giữ cho lưng mình thẳng khi đứng dậy. Khi đến nơi an toàn thì thực hiện theo quy trình ngược lại để đặt nạn nhân xuống.

* Vác người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nhẹ cân, không thể đi lại được.

 - Đặt nạn nhân nằm ngửa. Người cứu ngồi quỳ ngang hông nạn nhân. Đỡ nạn nhân ngồi dậy;

 - Người cứu luồn một tay ra sau lưng nạn nhân túm lấy thắt lưng hoặc ôm eo, tay còn lại cầm tay nạn nhân quàng qua cổ và vai mình;

Xốc nạn nhân đứng dậy;

Nhanh chóng bước một chân ra trước hai chân nạn nhân. Luồn đầu xuống dưới cả hai nách để nạn nhân nằm hoàn toàn trên vai mình; đưa một tay qua một đùi nạn nhân, túm lấy tay nạn nhân;

Xốc và điều chỉnh để người nạn nhân xoay ngang và cân đối. Đứng dậy và xốc nạn nhân đứng dậy, bước đi.

Người cứu chú ý giữ cho lưng mình thẳng khi đứng dậy. Khi đến nơi an toàn thì thực hiện theo quy trình ngược lại để đặt nạn nhân xuống.

* Cõng người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nhẹ cân, còn tỉnh hay bất tỉnh.

- Nếu nạn nhân còn tỉnh

Cõng như bình thường: Để nạn nhân ở tư thế ngồi;

 Người cứu ngồi quay lưng trước mặt nạn nhân để nạn nhân tự ôm cổ;

Luồn hai tay dưới đùi nạn nhân từ phía ngoài vào, giữ chặt, đứng lên.

 - Nếu nạn nhân bất tỉnh

Đặt nạn nhân nằm nghiêng hoặc nằm ngửa;

Người cứu nằm nghiêng, bên cạnh nạn nhân. Tay dưới nắm lấy cổ tay dưới của nạn nhân, tay trên luồn ra sau kéo nghiêng người nạn nhân và đặt đùi nạn nhân lên đùi mình;

Dùng chân khóa chân nạn nhân lại;

 Đưa tay ra sau túm lấy cổ tay nạn nhân rồi kéo và quàng qua cổ, vai mình

Trằn (lăn) mình đồng thời kéo tay kết hợp với giữ chân để nạn nhân nằm sấp trên lưng mình;

Rút một chân về phía trước chuyển sang tư thế bò (Nếu trong khu vực có khói thì trườn bò cõng nạn nhân ra ngoài);

Xốc nạn nhân đứng dậy, luồn hai tay dưới đùi nạn nhân túm hai tay nạn nhân. Khi đến nơi an toàn thì thực hiện theo quy trình ngược lại để đặt nạn nhân xuống.

Chú ý đỡ đầu nạn nhân khi đặt nằm.

* Kéo người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nặng cân, bất tỉnh hay còn tỉnh nhưng không đi lại được.

 - Khi khoảng không gian phía trên rộng

Người cứu có thể đứng thẳng người để cứu. Để nạn nhân nằm ngửa, hai tay khoanh trước ngực, hai chân vắt lên nhau để giảm ma sát;

Người cứu quỳ phía đầu nạn nhân, nâng đầu, vai dậy và đưa đùi vào đỡ dưới lưng;

Luồn hai tay dưới nách đưa ra trước ngực giữ chặt một cổ tay nạn nhân;

Giữ thẳng lưng đứng dậy kéo nạn nhân đi giật lùi.

- Khi khoảng không gian phía trên hẹp

Người cứu phải bò để kéo và tùy theo tình hình hiện trường có thể thực hiện theo các cách sau:

Để nạn nhân nằm ngửa, hai tay khoanh trước ngực, hai chân vắt lên nhau để giảm ma sát;

Người cứu cởi một cúc áo ngực nạn nhân ra, cuộn cổ áo vào trong áo tạo thành vành xung quanh cổ;

Úp một tay và luồn vào túm chặt cổ áo nạn nhân (dưới gáy), một chân kê vào lưng nạn nhân; bò và kéo đi.

 - Khi nạn nhân mặc áo gió hoặc áo dài, dày

Để nạn nhân nằm ngửa, hai tay khoanh trước ngực, hai chân vắt lên nhau để giảm ma sát;

Người cứu cởi cúc hay khóa của áo ngoài của nạn nhân ra, nhưng không cởi áo ra khỏi người;

Cầm hai vạt áo luồn ra sau lưng và túm chặt bằng hai tay;

Đứng dậy và kéo nạn nhân đi giật lùi.

2. Di chuyển nạn nhân khi có 2 người cứu

 Kiệu người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nặng cân, còn tỉnh hay bất tỉnh và không đi lại được và trong môi trường có khói, khí độc (người cứu vẫn phải đeo mặt nạ).

Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa; Hai người cứu quỳ hai bên nạn nhân, quay mặt vào nhau; đỡ nạn nhân ngồi dậy;

Quàng tay nạn nhân qua vai hai người cứu, luồn hai tay dưới gối và nắm chặt cổ tay nhau;

Hai tay còn lại luồn sau lưng nạn nhân, bắt chéo và nắm lấy thắt lưng nạn nhân;

Cùng đứng dậy và bước đi.

Lưu ý: Đối với nạn nhân bị thương ở tay thì đặt tay nạn nhân khoanh trước ngực.

Khiêng người bị nạn:

Áp dụng cho nạn nhân nặng cân, còn tỉnh hay bất tỉnh và không đi lại được và trong môi trường có khói, khí độc (người cứu vẫn phải đeo mặt nạ).

Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa, hai tay khoanh trước ngực;

Người cứu thứ nhất quỳ phía đầu nạn nhân, nâng đầu, vai dậy và đưa đùi vào đỡ dưới lưng, luồn hai tay dưới nách đưa ra trước ngực giữ chặt một cổ tay nạn nhân;

Người cứu thứ hai quỳ ngang gối nạn nhân, đặt cổ chân bên ngoài của nạn nhân lên cổ chân bên trong và dùng một tay ôm lấy cả hai cổ chân nạn nhân;

Cùng nhau đỡ nạn nhân đứng dậy, bước đi.

3. Cấp cứu người bị nạn bị nhiễm khói, khí độc

 a. Tác hại khi hít phải khói, khí độc

Hít phải khói, khí gas, hơi khí độc có thể làm những nạn nhân bị thiệt mạng nhanh chóng. Bất cứ ai trong không gian chật hẹp đều có thể hít phải khói khí độc trong các vụ cháy. Khói do cháy nhựa, nệm mút, sợi tổng hợp sẽ chứa nhiều khí độc.

Khói, khí độc tích tụ trong một không gian chật hẹp có thể làm người cứu nạn, cứu hộ không được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ bị ngất xỉu và có thể dẫn đến tử vong.

b. Cấp cứu

Đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đến nơi có không khí trong lành. Dập tắt lửa trên quần áo của nạn nhân.

Nếu nạn nhân bất tỉnh: Kiểm tra nhịp thở, mạch đập của nạn nhân và chuẩn bị hô hấp nhân tạo.

Đặt nạn nhân ở tư thế hồi sức;

Cho nạn nhân thở oxy nếu có sẵn;

Thao tác sơ cấp cứu cho nạn nhân bị ngạt khói, khí độc bằng các thao tác lấy dị vật đường thở, ép tim, hô hấp nhân tạo.

4. Cấp cứu người bị bỏng

a. Đánh giá mức độ bỏng

Đánh giá mức độ nặng nhẹ của vết bỏng phụ thuộc tác nhân gây bỏng, diện tích, độ sâu của vết bỏng. Tìm hiểu nguyên nhân bị bỏng có thể giúp ta đề phòng một số biến chứng khác nhau có thể xảy ra. Vết bỏng càng lớn, càng sâu thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao, dễ bị choáng do mất nước và đau.

Cơ quan hô hấp rất dễ bị ảnh hưởng và có thể để lại thương tích khi nhiễm phải khói, khí độc hay hóa chất. Các mô xung quanh bị tổn thương và phù nề gây khó thở. Các triệu chứng sau cho thấy đường hô hấp của nạn nhân có thể bị tổn thương.

 - Miệng và mũi vị dính bồ hóng.

- Lông mũi bị cháy sém.

 - Lưỡi bị sung đỏ.

 - Da quanh miệng bị sung đỏ.

- Giọng nói khan, khó thở.

Cho dù nạn nhân bị bỏng do bất cứ nguyên nhân nào, mức độ nặng nhẹ ra sao, nếu đường hô hấp bị tổn thương cần phải đưa nạn nhân đi cấp cứu để điều trị kịp thời.

b. Quy trình sơ cứu nạn nhân bị bỏng

Mục đích của việc sơ cứu bỏng là làm giảm tổn thương tổ chức và hạn chế thấp nhất tiến triển của vết bỏng bằng sự hạn chế sinh ra các yếu tố trung gian gây viêm.

Bước 1: Nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng theo nguyên tắc cách ly nạn nhân với nguồn nhiệt. Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt.

Dập tắt lửa đang cháy trên quần áo bằng cách dùng nước hoặc có thể dùng áo, chăn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa;

Xé bỏ quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm đẫm nước nóng, dầu hay các dung dịch hóa chất nếu ngay sau đó không có nước lạnh dội vào vùng bỏng;

Đối với bỏng điện thì phải ngắt ngay nguồn điện hay tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện;

 Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng, nhẫn, đồng hồ… trước khi vết bỏng sưng nề.

Bước 2: Nhanh chóng làm mát vùng bị tổn thương, thường dùng nước mát (đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả). Thao tác này phải tiến hành ngay sau khi bị bỏng, càng sớm càng tốt, sau 30 phút mới làm thì không hiệu quả.

Sử dụng nước sạch, nhiệt độ nước tiêu chuẩn là từ 16 ÷ 200C, để ngâm và rửa vùng tổn thương. Tận dụng các nguồn nước sẵn có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng…

Có thể ngâm, rửa phần bị bỏng dưới vòi nước hay trong chậu nước mát; hoặc dội liên tục nước sạch lên vùng bỏng; hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt. Nếu bỏng hóa chất thì phải phải rửa các hóa chất bằng nước và chất trung hòa.

Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám vào vết bỏng.

Thời gian ngâm rửa từ 15 ÷ 45 phút (thường cho tới khi hết đau rát), tránh làm vỡ, trượt vòm nốt bỏng.

Giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng, đặc biệt với trẻ em, người già. Khi trời lạnh nên rút ngắn thời gian ngâm đề phòng nhiễm lạnh.

Chú ý:

 Không dùng đá, nước đá lạnh để làm mát vết bỏng.

Không ngâm toàn bộ cơ thể nạn nhân vào trong nước.

Không đắp các loại thuốc mỡ, lá cây… vào vùng bị bỏng khi chưa rửa sạch.

Rửa nước lạnh cũng làm tăng sự mất nhiệt, thân nhiệt tiếp tục giảm, gây sốc nặng thêm. Do vậy, việc dùng nước để rửa hoặc ngâm vết thương cần được kiểm soát chặt chẽ khi diện tích bỏng lớn hơn 15% diện tích cơ thể, nhất là trẻ em và người già.

Bước 3: Phòng chống sốc.

Đặt nạn nhân ở tư thế nằm;

Động viên, an ủi nạn nhân;

Cho nạn nhân uống nước vì nạn nhân rất khát nhất là khi phải chuyển nạn nhân đi xa.

Chú ý: Chỉ cho nạn nhân uống nước khi nạn nhân tỉnh táo, không bị nôn và không có những chấn thương khác.

Dung dịch cho uống: Nếu có điều kiện nên pha dung dịch sau để cho nạn nhân uống:

Pha 1 lít nước:

+ 1/2 thìa cà phê muối ăn;

+ 1/2 thìa cà phê muối Natri Bicarbonat (NaHCO3);

+ 2 ÷ 3 thìa cà phê đường hoặc mật ong, nước cam, chanh ép.

Nếu không có điều kiện để pha dung dịch trên thì có thể cho nạn nhân uống nước trà đường, đường hoặc Oreson.

Dùng thuốc giảm đau cho nạn nhân. Khi dùng thuốc giảm đau, phải chú ý nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương bên trong thì không được dùng thuốc giảm đau, an thần mạnh.

Bước 4: Duy trì đường hô hấp.

Nạn nhân bị bỏng ở vùng mặt, cổ, nhất là khi bị mắc kẹt trong khu vực có dầu, đồ đạc, bàn ghế… đang bốc cháy, sẽ nhanh chóng bị phù mặt, cổ và các biến chứng của đường hô hấp do hít phải khói hơi. Những trường hợp này phải được ưu tiên số một và phải được chuyển đến bệnh viện ngay. Nhưng trong khi chờ đợi, phải theo dõi sát nạn nhân và phải đảm bảo sự thông thoát đường hô hấp

Bước 5: Phòng chống nhiễm khuẩn.

 Bản thân vết bỏng là vô khuẩn. Do vậy, khi cấp cứu bỏng phải rất cẩn thận để tránh vết bỏng bị nhiễm bẩn, như:

Không dùng nước không sạch để dội hoặc đắp vào vết bỏng.

Nếu có điều kiện, người cứu nên rửa tay sạch và tránh động chạm vào vết bỏng.

Bước 6: Băng vết bỏng.

Không được bôi dầu mỡ, dung dịch cồn, kể cả kem kháng sinh vào vết bỏng.

Không được chọc phá các túi phỏng nước.

Không được bóc da hoặc mảnh quần áo dính vào vết bỏng.

Nếu có điều kiện thì phủ vùng bỏng bằng gạc, vải (loại không có lông tơ) vô khuẩn, nếu không có thì dùng gạc, vải càng sạch càng tốt.

Vết bỏng sẽ chảy ra nhiều dịch nên trước khi dùng băng co giãn để băng vết bỏng lại thì phải đệm một lớp bông thấm nước lên trên gạc hoặc vải phủ vết bỏng.

Nếu không có băng co giãn thì chỉ được băng lỏng vùng bỏng để đề phòng vết bỏng sưng nề gây chèn ép.

Nếu bỏng bàn tay thì có thể cho bàn tay vào một túi nhựa rồi băng lỏng cổ tay, làm như vậy sẽ cho phép nạn nhân vẫn cử động được các ngón tay một cách dễ dàng và tránh làm bẩn vết bỏng.

Nếu vết bỏng ở cổ tay hoặc cổ chân thì trước hết phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch, sau đó cho vào một túi nhựa. Có thể đặt nẹp cố định chi bị bỏng, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải nâng cao chi bỏng để chống sưng nề các ngón chân, ngón tay và khuyên nạn nhân vận động sớm các ngón chân, ngón tay nếu có thể.

Bước 7: Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Cần lưu ý và sơ cứu những tổn thương phối hợp (cố định chi gãy; cố định cột sống, cổ nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống, cổ…)

* Khi có sự cố về cháy, nổ trên địa bàn Phường 1, thành phố Tây Ninh đề nghị người dân báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời:

- Lực lượng phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại : 114

- UBND Phường 1: 02763.822415 (Ông Trần Hữu Ngọc-Chủ tịch UBND Phường 1: 0908.423377; Ông Nguyễn Hoàng Phương-Phó Chủ tịch UBND Phường 1:0913.843409, ông Phạm Minh Khoa-Chỉ huy trưởng BCH Quân sự phường 1:0989.080280)

- Công an phường 1: 02763.827391 (ông Lê Minh Duy-Trưởng Công an Phường 1: 0913.666281, ông Trần Thái Trọng-Phó Công an Phường 1: 0937.484852)

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh

Nguồn tin: Cục CSPCCC và CHCN:

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay294
  • Tháng hiện tại16,288
  • Tổng lượt truy cập1,790,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây