Những điểm cần lưu ý của Luật Thi đua khen thưởng số 06/2022/QH15

Thứ ba - 14/11/2023 14:53 273 0

Những điểm cần lưu ý của Luật Thi đua khen thưởng số 06/2022/QH15

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; đồng bộ hóa các quy định pháp luật; khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng  thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 Điều, các quy định trong Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. Cụ thể: Kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật hiện hành; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng (khu vực công và khu vực tư); đồng thời thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở, góp phần giải quyết hạn chế, tồn tại trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng. Bổ sung nguyên tắc khen thưởng “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, hoàn chỉnh các loại hình khen thưởng và hệ thống tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng phù hợp; hạn chế tối đa tình trạng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích trong khen thưởng”; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong khen thưởng; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; quan tâm khen thưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khen thưởng.

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG  NĂM 2022

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có 08 nhóm điểm mới chủ yếu sau đây:

1.Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng: (i) Bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 24), “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” (Điều 28); (ii) Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân (khoản 3 Điều 79); (iii) Bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng (khoản 3 và khoản 5 Điều 83); (iv) Bổ sung trách nhiệm Người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13), Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (khoản 6 Điều 83), Cơ quan báo chí (khoản 4 Điều 13); (v) Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao Bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.

2. Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây: Bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm c khoản 2 Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng được quy định trong Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).

3. Đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến): (i) Bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7); (ii) Bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 1 Điều 13); (iii) Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29); (iv) Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua (Điều 21, 22, 23, 24 và khoản 1 Điều 26); (v) Bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức (khoản 2 Điều 25); tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết (khoản 2 Điều 26).

4. Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo: (i) Bổ sung nguyên tắc tại điểm d khoản 2 Điều 5; (ii) Bổ sung đối tượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (khoản 2 Điều 24); (iii) Bổ sung đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo; (iv) Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho đối tượng là cán bộ nghiên cứu giáo dục (Điều 64); (v) Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh” (khoản 1 Điều 65); (vi) Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” (khoản 1 Điều 66); (vii) Bổ sung cách tính thời gian (nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 4 các điều 64 và 65).

5. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân: (i) Quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) cho đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; (ii) Bổ sung quy định nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác (Điều 81); (iii) Bổ sung thẩm quyền trình khen thưởng đối với doanh nghiệp do Chính phủ quy định (khoản 7 Điều 83).

6. Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam: Bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37 và Điều 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58).

7. Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 Điều 96).

8. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng: (i) Giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 4 Điều 84); (ii) Bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85); (iii) Bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (điểm e khoản 2 Điều 89).

Với các chính sách đột phá nêu trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay239
  • Tháng hiện tại16,233
  • Tổng lượt truy cập1,790,646
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây