Có một nghề, được gọi là nghề lương cao... nghề lương cao được nhiều người đem ra so sánh với các ngành nghề, lĩnh vực khác và cho rằng lương Công an, Quân đội như thế là quá cao, không công bằng với các ngành nghề khác. Thậm chí vấn đề này còn làm nóng nghị trường Quốc Hội trong các phiên thảo luận, chất vấn về lương đối với các ngành nghề. Thiết nghĩ rằng, chắc các chiến sĩ Quân đội, và công an cũng chẳng muốn tranh cãi vấn đề này nhiều vì họ quá hiểu được sự hi sinh, cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân. Trong thâm tâm của đại bộ phận chiến sĩ đều nghĩ công việc của mình là thiêng liêng, cao cả để góp phần giữ vững sự bình yên cho Tổ quốc. Và những con người đấy họ cũng rất rộng lượng chia sẻ với gánh nặng của ngân sách nhà nước, dù biết công việc gian lao vất vả nhưng họ cũng không bày tỏ quan điểm rằng lương như thế là chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Cán bộ, chiến sĩ PCCC Hà Nội ứng cứu người trong trong hỏa hoạn
Tất cả mọi ngành nghề đều là cao quý, đều có sự đóng góp to lớn cho Tổ quốc và Nhân dân. Và tất cả họ-những cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân- đều xứng đáng để được đền đáp những hi sinh, mất mát mà họ phải chịu đựng. Trong đó phải kể đến lực lượng Quân đội, Công an, họ đã rất vất vả phải "dầm mưa dãi nắng". Có những lúc, các chiến sĩ quân đội phải lao mình vào những trận chiến ác liệt, những ngày nắng mưa họ đều ở ngoài thao trường tập luyện, những đêm đông giá buốt họ vẫn luôn túc trực để giữ vững biên cương, bờ cõi. Những chiến sĩ công an âm thầm ngày đêm đấu tranh với nhiều loại tội phạm đặc, là tội phạm ma túy, giết người, cướp của, là những trận lũ lụt, là những lần hỏa hoạn... họ đều ra sức dầm mình trong những lúc nguy nan khốn khó nhất. Và có lẽ rằng, truyền thông hay mạng xã hội mới chỉ phản ánh được một phần nhỏ của sự hi sinh mà các chiến sĩ đã phải chịu đựng. Ba chiến sĩ công an hi sinh để cứu được nhiều người dân trong hỏa hoạn Cầu Giấy, Hà Nội hay sự hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ thể hiện tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ “của các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông tại Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui-Lâm Đồng đã cứu tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhưng những người ở lại là gia đình, người thân của họ sẽ phải hết sức mạnh mẽ trong những quãng đời còn lại. Là người con thiếu bố, là người vợ thiếu chồng, là người mẹ mất con... Chỉ có những người trong cảnh mới hiểu được.
Thật đau đớn khi các anh đã ngã xuống trên trận chiến với tội phạm, với thiên tai, hỏa hoạn. Vậy thì, điều gì mới bù đắp được những sự mất mát và hi sinh to lớn đó. Có lẽ rằng những chia sẻ, động viên của cộng đồng sẽ làm nguôi đi những đau đớn tột cùng của các gia đình chiến sĩ. Chỉ mong rằng, có một nghề được gọi là nghề lương cao... sẽ được mọi người thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ thay vì những suy nghĩ mang tính cá nhân để áp đặt cho toàn lực lượng.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh
Nguồn tin: Bộ Công An:
Ý kiến bạn đọc