Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Căn cứ Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp,
Sau khi phối hợp, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An xây dựng nội dung tóm tắt Đề án hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh Tây Ninh như sau:
1. VỀ SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là cần thiết nhằm mở rộng và bảo đảm tính thống nhất về không gian địa lý, sự liên thông của các nguồn lực, bố trí và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển của đất nước. Việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi vai trò quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tạo khả năng kết nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, công đồng doanh nghiệp. Khoảng cách không gian giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp không còn nhiều ý nghĩa về địa lý và ranh giới địa giới giữa các ĐVHC. Vì vậy, tổ chức hợp lý, hướng đến ổn định lâu dài của ĐVHC các cấp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, vùng nói riêng và của cả nước nói chung.
Về lịch sử hình thành, Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định. Trước khi trở thành 2 tỉnh như ngày nay, trong lịch sử hình thành tỉnh Long An và Tây Ninh đều trải qua nhiều thay đổi về mặt địa giới hành chính.
Trong những năm qua, Long An và Tây Ninh cũng là “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Cả hai địa phương đều có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế lớn và những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Với Long An là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng khi tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh về phía Đông, giáp Tây Ninh và Campuchia về phía Bắc và tiếp giáp 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang về phía Tây và Nam. Nhờ nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển về nông nghiệp. Tương tự, tỉnh Tây Ninh cũng có vị trí chiến lược nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt cửa khẩu Mộc Bài - một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực phía Nam, Tây Ninh đang vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Tây Ninh có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch: có các công trình hàng đầu thế giới (Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới; Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất Châu Á); Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh; hồ Dầu Tiếng (công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á); Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Hiện nay, 2 tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghiệp cao và du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An đang tăng cường kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh. Các tuyến đường như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825 đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Tây Ninh với các huyện Đức Hòa, Bến Lức của Long An. Điều này giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa các khu công nghiệp của hai địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; việc duy trì 02 ĐVHC riêng biệt dẫn đến làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng của các địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn. Trong khi đó, thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, giúp thực hiện giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Tỉnh Long An và Tây Ninh là hai tỉnh đều có cơ cấu kinh tế tương đồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giáp ranh nhau và cùng là tỉnh biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Việc sáp nhập 02 tỉnh thành 01 tỉnh mới sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Việc sáp nhập 02 tỉnh sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hiện nay.
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Đề án “Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh Tây Ninh” là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình thực tiễn hiện nay. Việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; đồng thời, bảo đảm phù hợp quy mô diện tích, dân số, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
2. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP TỈNH THỰC HIỆN SẮP XẾP
a) Tỉnh Tây Ninh
* Vị trí địa lý
Tây Ninh là tỉnh biên giới, thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiếp giáp với 3 tỉnh (Bình Dương, Bình Phước, Long An) và thành phố Hồ Chí Minh. Có 240km đường biên giới quốc gia, giáp với 3 tỉnh (Svay Riêng, Pray Veng, Tbong Khmum) thuộc vương quốc Campuchia. Có 16 cửa khẩu trong đó, có 03 của khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam). Tây Ninh có trục lộ giao thông quan trọng là đường Xuyên Á, Quốc lộ 22 và đường Quốc lộ 22B (tương lai sẽ có các tuyến cao tốc TP.HCM Mộc Bài, Mộc Bài - Xa Mát; hệ thống cảng cạn, cảng đường thuỷ (Tân Cảng, Hưng Thuận, YCH, …); quảng trường, công viên diện tích lớn); là cửa ngõ giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế với Campuchia và khu vực ASEAN.
* Diện tích tự nhiên, Quy mô dân số và Số ĐVHC trực thuộc
- Diện tích tự nhiên: 4.041,65 km2
- Quy mô dân số: 1.384.424 người
- Số ĐVHC trực thuộc:
+ Hiện có: Số lượng ĐVHC cấp huyện là 09 (gồm: 01 thành phố, 02 thị xã, 6 huyện). Số lượng ĐVHC cấp xã là 94 (gồm: 17 phường, 6 thị trấn và 71 xã (có 20 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia).
+ Dự kiến sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã: 36 (10 phường, 26 xã), có 11 xã biên giới.
b) Tỉnh Long An
* Vị trí địa lý
Tỉnh Long An tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh về phía Đông, giáp với Vương Quốc Campuchia về phía Bắc, giáp với tỉnh Đồng Tháp về phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam. Đường biên giới dài khoảng 134 km, có điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thương với Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
* Diện tích tự nhiên, Quy mô dân số và Số ĐVHC trực thuộc
- Diện tích tự nhiên (km2): 4.494,79 km2
- Quy mô dân số (người): 1.953.995 người
- Số ĐVHC cấp cơ sở:
+ Hiện có: số lượng ĐVHC cấp huyện: 15 (trong đó có 13 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố); số lượng ĐVHC cấp xã: 186 (trong đó 160 xã, 11 phường, 15 thị trấn) (có 20 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia).
+ Dự kiến sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã: 60 ĐVHC (55 xã, 05 phường); có 9 xã biên giới.
3. PHƯƠNG ÁN VÀ KẾT QUẢ SẮP XẾP ĐVHC CẤP TỈNH
a) Phương án
Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh Tây Ninh trực thuộc Trung ương.
b) Kết quả
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh (tên): Tây Ninh, có: 8.536,5 km2 (đạt 170% so với tiêu chuẩn), Quy mô dân số 3.338.419 người (đạt 234,9% so với tiêu chuẩn), dự kiến có 96 ĐVHC cấp xã trực thuộc (81 xã, 15 phường), có 20 xã biên giới.
- Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh: trước mắt đặt tại trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Long An (Thành phố Tân An hiên nay).
Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.
Khi triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, căn cứ điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy chính quyền có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh Tây Ninh và trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn của tỉnh Tây Ninh và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập.
4. KẾT LUẬN
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới của đất nước, xây dựng mô hình địa phương 02 cấp, bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Với các yếu tố tương đồng, chức năng, vai trò và lợi thế của hai tỉnh, việc hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh Tây Ninh là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình thực tiễn hiện nay; việc hợp nhất sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công./.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc