Các nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn-Phần 2

Thứ năm - 04/04/2024 15:54 19 0

Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn

2. Về nghĩa vụ nghiêm cấm các hành vi tra tấn
a) Về áp dụng các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác
Điều 2 của Công ước quy định:
1. Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc những biện pháp hữu hiệu khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên toàn bộ lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia.
2. Không trường hợp ngoại lệ nào có thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn, kể cả tình trạng chiến tranh hoặc có nguy cơ chiến tranh, sự bất ổn định về chính trị trong nước hoặc các tình trạng khẩn cấp khác.
3. Mệnh lệnh của sĩ quan cao cấp hoặc một cơ quan công quyền cũng không thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn.
Theo quy định này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tiến hành đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn hành vi tra tấn trên phạm vi lãnh thổ thuộc quyền tài phán quốc gia một cách tuyệt đối.
- Về biện pháp lập pháp: Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải ghi nhận bằng pháp luật quyền không bị tra tấn của mọi công dân; nghiêm cấm hành vi tra tấn và phải quy định tra tấn là một tội phạm, bị xét xử với chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn ngừa hành vi tra tấn, bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của con người; đồng thời, ban hành mới hoặc chỉnh sửa các quy định hiện hành để các quy định pháp luật nội dung và tố tụng (hình thức) của quốc gia đều đảm bảo quyền không bị tra tấn cho tất cả mọi người trên lãnh thổ quốc gia.
- Về biện pháp hành pháp: Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm và tôn trọng quyền không bị tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của mọi công dân, trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng các quy chuẩn đạo đức, nghề nghiệp cho các cán bộ, viên chức; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các quan chức thực thi pháp luật để triệt tiêu các vi phạm pháp luật của các nhân viên công quyền nói chung và nhân viên hành pháp nói riêng.
- Về biện pháp tư pháp: Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải bảo đảm thực hiện quyền không bị tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của công dân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đây là những hoạt động có nhiều nguy cơ xảy ra hành vi tra tấn đối với bị can, bị cáo; người bị tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành án phạt tù. Do đó, các hoạt động tư pháp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để bảo đảm yêu cầu của Công ước; cùng đó, phải có hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo tính khách quan, chính xác và kịp thời của các hoạt động tư pháp, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
- Các biện pháp khác: Công ước không quy định thế nào là các biện pháp khác nhưng có thể hiểu đây là nhóm biện pháp bao gồm phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện các chiến lược chăm sóc y tế, cải cách giáo dục, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật... có vai trò quan trọng hỗ trợ cho các biện pháp hành chính, tư pháp trong việc ngăn chặn các hoạt động tra tấn và góp phần không nhỏ trong loại bỏ hoàn toàn tra tấn thông qua việc nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo quy định Công ước, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối trong mọi trường hợp. Khoản 2 Điều 2 Công ước khẳng định rằng, không có bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào, kể cả trong trường hợp một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh hoặc có nguy cơ chiến tranh, hoặc có sự bất ổn định về chính trị nội bộ hoặc bất cứ tình trạng khẩn cấp chung nào có thể biện hộ cho hành động tra tấn. Lịch sử thế giới đã ghi nhận trong các cuộc chiến tranh, nhiều chính quyền quốc gia, để có được các thông tin tình báo hoặc thông tin khác liên quan đến hoạt động của đối phương, thường áp dụng các biện pháp tra tấn đối với tù binh hoặc thường dân. Các chính quyền này cũng biện hộ rằng việc tra tấn này là nhằm có được thông tin để ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Tuy nhiên, những biện hộ như vậy là trái với quy định tại khoản 2 Điều 2 Công ước và đi ngược lại mục đích của Công ước là loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống nhân loại.
Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định không được viện dẫn mệnh lệnh của một sĩ quan cao cấp hoặc một cơ quan công quyền để biện minh cho hành vi tra tấn (khoản 3 Điều 2), quy định này có thể được hiểu như sau:
- Bất kỳ một sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền nào đều không có quyền ra mệnh lệnh trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người;
- Mọi mệnh lệnh, yêu cầu (nếu có) của sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền về việc tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người đều không có hiệu lực thi hành;
- Không được chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu (nếu có) của sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền để tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người;
- Mọi hành động tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người do chấp hành mệnh lệnh, chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên một cách mù quáng đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Không thể dùng mệnh lệnh, chỉ đạo của cấp trên để biện minh cho hành động tra tấn.
b) Nghĩa vụ hình sự hóa hành vi tra tấn
Nhằm mục đích nghiêm cấm triệt để các hành vi tra tấn, Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi này để có thể áp dụng những hình phạt thích đáng, nhằm trừng phạt và răn đe những người thực hiện hành vi tra tấn. Nội dung này được quy định tại Điều 4 như sau:
“1. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi hành vi tra tấn đều là tội phạm theo pháp luật hình sự của nước đó. Quy định này cũng phải áp dụng đối với những hành vi chuẩn bị thực hiện việc tra tấn và hành vi đồng phạm hoặc tham gia vào việc tra tấn.
2. Các quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi”.
Điều này yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nghiêm khắc. Theo đó, bất kỳ nhân viên công quyền hoặc người không phải là nhân viên công quyền nhưng được sự đồng ý hay chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc một người khác có quyền lực như một nhân viên công quyền trong khi thực thi công vụ mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho người khác với mục đích để lấy thông tin, trừng phạt, gây hoảng sợ, cưỡng bức hoặc vì lý do phân biệt đối xử đều trở thành chủ thể của hành vi tra tấn và đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với quy định này, Công ước yêu cầu phạm vi hình sự hoá tương đối rộng, không chỉ hạn chế trong phạm vi hoạt động tố tụng hình sự mà về lý thuyết, hành vi tra tấn có thể xảy ra trong tất cả hoạt động có mang tính thực thi công quyền.
c) Quyền tài phán
Theo nghĩa rộng, quyền tài phán của một quốc gia được hiểu là quyền riêng biệt của quốc gia đó trong việc ban hành các quy định pháp luật và thực thi các quy định pháp luật đó.
Điều 5 của Công ước quy định các quốc gia cần phải có cơ chế để bảo đảm việc xét xử các tội phạm về tra tấn sẽ được thực hiện trong phạm vi rộng nhất có thể, cụ thể như sau:
“1. Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những tội phạm quy định tại Điều 4 trong những trường hợp sau đây:
a) Khi tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia hoặc trên tàu bay hoặc tàu thuyền đã đăng ký ở quốc gia đó;
b) Khi người bị tình nghi phạm tội là công dân của quốc gia đó;
c) Khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy phù hợp.
2. Mỗi quốc gia thành viên cũng phải thực hiện những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những tội phạm nêu trên trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có mặt trên bất cứ vùng lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán của quốc gia và không thực hiện việc dẫn độ người này theo quy định tại Điều 8 đến bất kỳ quốc gia nào được quy định trong khoản 1 của Điều này.
3. Công ước này không loại trừ các quyền tài phán hình sự được thực thi/áp dụng theo pháp luật quốc gia”.
Theo quy định nói trên, các quốc gia có hai sự lựa chọn là: (i) thiết lập quyền tài phán trên cơ sở quy định của Công ước; hoặc (ii) áp dụng theo pháp luật quốc gia. Trong 166 quốc gia thành viên của Công ước tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia đều quy định về quyền tài phán theo như quy định tại Điều 5 Công ước (Việt Nam cũng nằm trong số này). Tuy vậy, việc xác lập quyền tài phán của các quốc gia khác nhau có thể khác nhau. Một số quốc gia khi tham gia Công ước đã đưa ra tuyên bố riêng của mình về việc thiết lập quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn. Chẳng hạn, khi gia nhập Công ước vào ngày 02/10/2007, Vương quốc Thái Lan đưa ra tuyên bố như sau: “… thẩm quyền quy định nêu tại Điều 5 của Công ước sẽ được thiết lập phù hợp với Bộ luật hình sự hiện hành. Vương quốc Thái Lan sẽ xem xét lại nội luật của mình cho phù hợp hơn với Điều 5 Công ước trong thời gian sớm nhất.”
Cũng cần phải lưu ý rằng, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối. Do đó, hiện nay, thế giới đang công nhận tra tấn là một tội phạm thuộc phạm vi tài phán phổ quát, nghĩa là tòa án quốc gia có thể điều tra và truy tố một người bị nghi phạm tội tra tấn, không tính đến quốc tịch của bị cáo hoặc của nạn nhân hoặc đòi hỏi bất kỳ mối liên hệ nào với quốc gia nơi đặt tòa án. Thẩm quyền phổ quát thường được mô tả như khả năng truy tố người có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia về tội phạm thực hiện bên ngoài lãnh thổ của quốc gia đó mà không có mối liên hệ với quốc gia đó về quốc tịch của người bị tình nghi hoặc của người bị hại hoặc bởi việc gây nguy hại cho lợi ích của quốc gia đó. Công ước Chống tra tấn là điều ước quốc tế đầu tiên quy định về quyền tài phán phổ quát đối với các tội phạm tra tấn ngoài phạm vi của một cuộc xung đột vũ trang. Quy định này được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật quốc tế trước đó về chống bắt cóc máy bay, bắt con tin, và bảo vệ viên chức ngoại giao.
d) Nghĩa vụ không trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ
Bên cạnh việc quy định các quốc gia thành viên phải ngăn chặn không cho hành vi tra tấn xảy ra trên lãnh thổ quốc gia mình, Điều 3 của Công ước cũng đồng thời yêu cầu các quốc gia phải ngăn ngừa khả năng hành vi này sẽ được thực hiện đối với những người bị trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ từ quốc gia mình, cụ thể là:
“1. Các quốc gia thành viên không được trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác nếu có đủ căn cứ để cho rằng người này có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia đó.
2. Để xác định có hay không tồn tại các căn cứ trên, các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm cả, tình trạng xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo, thường xuyên hoặc trên diện rộng ở quốc gia có liên quan, nếu có thể.”
Theo quy định nói trên, quốc gia thành viên không được trục xuất, dẫn độ, trao trả (gọi chung là trao trả) một người trở lại một nước mà ở đó người bị trao trả có nguy cơ bị tra tấn. Điều giới hạn này chỉ áp dụng trong trường hợp có cơ sở chắc chắn để tin rằng người bị trao trả có thể bị nguy hiểm do nguy cơ bị tra tấn. Trong đó:
"Trục xuất" là việc một quốc gia buộc một người nước ngoài đang hiện diện trên lãnh thổ của mình phải rời khỏi lãnh thổ quốc gia trái với mong muốn của họ.
“Trao trả” được hiểu là hành động mang tính cưỡng chế của nhà nước nhằm từ chối chấp nhận sự hiện diện của một người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia của mình (không cho phép nhập cảnh).
“Dẫn độ” là hành vi cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia trao người cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia khác nhằm mục đích xét xử hoặc thi hành án. Điểm khác nhau giữa dẫn độ và trục xuất là người bị trục xuất không bị trao cho cơ quan có thẩm quyền của nước khác và về nguyên tắc, người bị trục xuất có thể chọn quốc gia đến.
Bản chất của nguyên tắc "không trao trả" thể hiện trong Điều 3 Công ước Chống tra tấn là một trong những biện pháp để ngăn ngừa tra tấn: quốc gia không những không được phép tra tấn công dân hoặc những người dưới quyền tài phán của mình, mà còn không được phép buộc những người nước ngoài phải trở về hoặc tới một quốc gia khác, nếu người đó có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia đó.
Quy định “không trao trả” tại Điều 3 Công ước Chống tra tấn có tính chất tuyệt đối, giống như quy phạm về chống tra tấn, bởi vì: ngôn ngữ của Điều 3 Công ước không cho phép sự lựa chọn nào, không hoàn cảnh đặc biệt nào, dù là chiến tranh, rối loạn chính trị trong nước hay tình trạng khẩn cấp công cộng, có thể biện minh cho hành vi tra tấn, thậm chí quy định này còn cấm dẫn độ tới một nước mà từ đó người có liên quan có thể bị dẫn độ tới nước thứ ba có nguy cơ tra tấn.
Công ước không đưa ra khái niệm, chỉ dẫn thế nào được coi là căn cứ xác thực để tin rằng người đó sẽ bị tra tấn mà áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, nếu lý do đó có sức thuyết phục hoặc có căn cứ để cho rằng ở nước đó có sự tồn tại việc xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo.

Tác giả bài viết: Thanh Tâm

Nguồn tin: Bộ TTTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
cong bao tay ninh
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,295
  • Tháng hiện tại31,963
  • Tổng lượt truy cập787,168
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây