Pháp luật quy định về cung cấp và tiếp cận thông tin bao gồm: Luật tiếp cận thông tin năm 2016 (Luật); Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2023 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin (Nghị định); Thông tư số 46/2018/TT-BTC ngày 14/5/2018 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin (Thông tư). Một số quy định như sau:
1.Về chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin:
Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự sẽ thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ; người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam sẽ chỉ được cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
2. Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin:
Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra trừ trường hợp thông tin công dân không được phép tiếp cận. Đối với trường hợp thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thì bên cạnh cung cấp thông tin do mình tạo ra còn cung cấp thông tin do mình nhận được.
3. Về nguyên tắc cung cấp thông tin:
Thông tư quy định như sau:
“1. Thông tin được cung cấp phải do chính Thủ trưởng cấp mình hoặc cơ quan, đơn vị mình tạo ra, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 Luật tiếp cận thông tin, thông tin được tiếp cận có Điều kiện thì cung cấp khi có đủ Điều kiện theo quy định tại Điều 7 Luật tiếp cận thông tin.
2. Việc cung cấp thông tin tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, quốc phòng.
3. Bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; phù hợp với tính chất của thông tin được yêu cầu cung cấp và khả năng của cơ quan, đơn vị mình.”
4. Về cách thức tiếp cận thông tin:
Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức bao gồm:Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông thông tin.
5. Về trình tự, thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin:
Theo quy định của Luật, tùy từng trường hợp cụ thể mà tuân thủ trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, cụ thể là:
Trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì có thể cung cấp ngay; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn tìm kiếm thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sau chép, chụp tài liệu.
Trường hợp cung cấp thông tin qua mạng điện tử: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 03 ngày làm việc; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc. Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức: 1.gửi tập tin đính kèm thư điện tử; 2.cung cấp mã truy cập một lần: 3.chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin.
Trường hợp cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 05 ngày làm việc; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc.
Trong quá trình cung thực hiện cung cấp thông tin, người yêu cầu cung cấp thông tin và cơ quan cung cấp thông tin sử dụng các mẫu phiếu sử dụng trong cung cấp thông tin theo yêu cầu được quy định tại Điều 5 của Nghị định.
Tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (sau đây gọi là người yêu cầu cung cấp thông tin) không phải trả phí, lệ phí cung cấp thông tin nhưng phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin yêu cầu cung cấp, cụ thể theo quy định tại Điều 3 của Thông tư.
5. Về các hành vi bị nghiêm cấm:
Luật quy định cấm các hành vi:
“1. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin;
2.Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực;
3.Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
4.Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.”
6. Về phạm vi thông tin được tiếp cận: (Điều 17, 18, 23)
Luật quy định công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơquan nhà nước theo quy định của Luật này, trừ thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện. Thông tin phải được công khai bao gồm thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước... và căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ. Hình thức công khai thông tin được thực hiện thông qua việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trên phương tiện thông tin đại chúng, Công báo, niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước...Luật cũng quy định về các thông tin được cung cấp theo yêu cầu bao gồm: 1.Thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai; 2.Thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật; 3.Thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được…
7. Về biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân: Để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật này.
Tác giả bài viết: Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc