Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn. Theo đó, UBND cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Theo quy định trước đây thì Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố mới có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Như vậy, từ 9/1/2025, UBND cấp xã đã được bổ sung thêm thẩm quyền, trách nhiệm trong chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận thay vì chỉ được chứng thực các giấy tờ, văn bản do cơ quan của Việt Nam cấp như trước đây.
Được sử dụng căn cước điện tử khi đi đăng ký hộ tịch
Bên cạnh đó, Nghị định 07/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Cụ thể, Nghị định 07/2025/NĐ-CP quy định, người yêu cầu chứng thực xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc xuất trình Căn cước điện tử và nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây: Dự thảo hợp đồng, giao dịch; Bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.
Theo quy định nêu trên thì từ ngày 9/1/2025, người dân sẽ được sử dụng căn cước điện tử khi đi công chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Một trong những nội dung đáng chú ý nữa tại Nghị định 07/2025/NĐ-CP là sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Theo đó, người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; người yêu cầu đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Hộ tịch và tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Trường hợp người yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử thì không phải nộp bản giấy.
Như vậy, từ 9/1/2025 người dân cũng có thể dùng căn cước điện tử khi đi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Nghị định 07/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 9/1/2025.
Tác giả bài viết: Thanh Tâm
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc