Một số kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn trong sinh hoạt hàng ngày

Thứ ba - 03/10/2023 11:05 337 0

Công an Phường 1, thành phố Tây Ninh thông tin đến nhân dân một số kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn trong sinh hoạt hàng ngày

I- Phòng cháy trong sinh hoạt hàng ngày

 - Quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), nguồn nhiệt, hệ thống điện và thiết bị điện.

- Sắp xếp đồ vật, vật tư, hàng hóa gọn gàng, tránh gây cháy lan và cản trở lối thoát nạn; để chất dẫ cháy cách xa nơi đun nấu, nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt.

 - Không buôn bán, tàng trữ trái phép hàng hóa, chất dễ cháy, nổ…. Trong trường hợp cần thiết: Sử dụng, dự trữ xăng dầu, khí đốt…phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì chỉ nên dự trữ một số lượng đủ dùng, không quá nhiều và phải bảo quản ở khu vực riêng biệt, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt và tránh nhầm, lẫn trong quá trình sử dụng.

 - Lắp đặt các thiết bị cảnh báo rò rỉ gas (nếu dùng gas), thiết bị cảnh báo cháy sớm; trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu cho gia đình như bình chữa cháy, các phương tiện cứu nạn cứu hộ để có thể thoát nạn khi gặp các sự cố cháy, nổ như: đèn pin, búa, rìu, mặt nạ lọc độc, dây hạ chậm vv….

- Mỗi nhà ở hộ gia đình cần có tối thiểu 02 lối thoát nạn và các phương án thoát nạn để mỗi thành viên trong gia đình khi có sự cố đều có thể thoát nạn an toàn.

- Giáo dục, nhắc nhở trẻ em không chơi đùa, nghịch lửa, diêm…

II- Xử lý khi có cháy xảy ra

 - Báo động, hô hoán cho mọi người biết có đám cháy

Khi phát hiện ra có cháy, nhanh chóng hô hoán, báo động để mọi người cùng biết. Báo động đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu số người bị thương hoặc thiệt mạng do các yếu tố khói, khí độc và ngọn lửa tác động. Người phát hiện sự cố cháy có thể hô hoán bằng lời hoặc sử dụng các phương tiện báo động khác như: dùng kẻng, loa phát thanh, nhấn nút chuông báo cháy… việc báo động để thông báo cho mọi người trong khu vực đang xảy ra cháy biết, những người đủ sức khỏe thì hỗ trợ trong công tác chữa cháy, người không đủ sức khỏe thì di chuyển thoát nạn.

- Cắt điện khu vực xảy ra cháy

Cắt điện khu vực xảy ra cháy là việc làm rất cần thiết nhằm ngăn ngừa đám cháy lan truyền đến các khu vực khác. Việc ngắt cầu dao điện cũng giúp đảm bảo an toàn cho những người trong khu vực cháy di chuyển thoát nạn an toàn hơn, không bị điện giật. Trong quá trình chữa cháy, chất chữa cháy được sử dụng chủ yếu là nước, chính vì vậy việc ngắt cầu dao điện cũng chính là việc đảm bảo cho những người phun chất chữa cháy vào đám cháy không bị điện giật, không gây nguy hiểm đến tính mạng của những người tham gia cứu chữa vụ cháy.

- Sử dụng các phương tiện để dập cháy

Phương tiện chữa cháy ban đầu là những phương tiện có thể dập tắt được đám cháy khi mới phát sinh, đám cháy nhỏ. Phương tiện chữa cháy ban đầu có thể là quần áo, chăn, cát, bình chữa cháy, hệ thống họng nước chữa cháy tong và ngoài nhà vv…. Người phát hiện đám cháy, nhanh chóng di chuyển đến khu vực để các phương tiện chữa cháy ban đầu lấy và thao tác sử dụng để dập cháy.

- Gọi điện thoại báo cháy theo số 114

Đồng thời với việc tổ chức các bước như trên là gọi điện đến số 114 nhằm báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC biết đang có đám cháy. Khi gọi điện báo cháy theo số 114, cần chú ý:

+ Thông tin chính xác địa chỉ nơi xảy ra cháy, có người bị nạn trong đám cháy hay không, loại chất cháy, đặc điểm đám cháy, thông báo sơ bộ về quy mô đám cháy.

+ Khi gọi điện báo cháy: Người gọi điện báo cháy có thể sử dụng điện thoại di động hoặc điện thoại cố định để gọi báo cháy. Cách bấm điện thoại (mã vùng +114) hoặc bấm trực tiếp 114, tuy nhiên để có thể nhanh chóng thông tin cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì chỉ cần bấm trực tiếp số 114 hoặc có thể gọi thông qua App Báo cháy 114.

* Một số thao tác khác

+ Tổ chức cứu người bị nạn nếu có người bị nạn mắc kẹt tại nơi xảy ra cháy.

+ Trong trường hợp sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu không hiệu quả, đối với các đám cháy ở trong nhà, những người tham gia cứu chữa nhanh chóng di chuyển thoát nạn, trong quá trình di chuyển thoát nạn ra khỏi phòng cần đóng cửa lại để hạn chế đám cháy phát triển lớn.

- Di chuyển tài sản có giá trị ra khỏi khu vực có nguy cơ cháy lan, đồng thời cử người bảo vệ tài sản.

- Đón xe chữa cháy và phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để tham gia chữa cháy.

III- Một số kỹ năng thoát nạn trong đám cháy

 1/-Kỹ năng thoát nạn đối với dạng công trình nhà độc lập và nhà liền kề

Đối với dạng nhà độc lập và nhà liền kề để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy chúng ta cần phải xác định được lối thoát ra khỏi căn hộ đang cháy một cách an toàn. Các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập, căn hộ liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng, tum) hoặc lối ra ban công để thoát sang các công trình liền kề, bên cạnh.

Ngoài ra, đối với căn hộ, ngôi nhà độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như thang dây, dây hạ chậm vv… Khi phát hiện ra đám cháy, những người trong căn nhà ống, liền kề cần chú ý: Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong căn hộ biết bằng cách hô hoán thật to và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo, sử dụng khăn mặt, vải nhúng nước hoặc mặt nạ lọc độc để bảo vệ cơ quan hô hấp và di chuyển thoát nạn.

Trong trường hợp điểm xuất phát cháy tại tầng 1, lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát phụ khác như:

+ Di chuyển ra ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây (nếu có), dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần áo, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn (chỉ áp dụng với các tầng thấp, người buộc nối các rèm cửa, quần áo phải dùng nút thắt để tránh trường hợp rèm cửa, quần áo bị tuột). Ngoài ra trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây thật chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc;

 + Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể (hoặc chờ lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp đến cứu). Trong quá trình di chuyển cần sử dụng chăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.

Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà (chuồng cọp), mà trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì hãy bình tĩnh tìm kiếm và sử dụng các vật dụng như búa, các thanh thép cứng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng khoang, ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh. Trong trường hợp không thể thoát theo lối ban công thì cơ hội sống sót cao nhất đó là di chuyển lên sân thượng tìm cách thoát sang các công trình lân cận, đồng thời mở các vòi 20 nước tại sân thượng để làm mát cũng như giảm nồng độ khói.

Không chạy vào nhà vệ sinh, tủ, gầm giường để trốn tránh, bởi dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên.

Kiểm tra cửa (kiểm tra bằng cách sử dụng mu bàn tay chạm vào cửa), nếu nhiệt độ quá cao không thể thoát ra ngoài, nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, chèn vào khe cửa, sử dụng băng dính dán vào cánh cửa để khói khí độc không vào được trong căn phòng. Sau đó nhanh chóng di chuyển ra ban công, gọi to ra hiệu, nếu cháy vào ban ngày thì sử dụng quần áo có màu sắc, buổi tối có thể sử dụng đèn pin hoặc sử dụng đèn của điện thoại. Đồng thời ngay lập tức gọi điện cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số 114 để nhờ sự trợ giúp. Thông báo cụ thể vị trí người bị nạn, số lượng người bị nạn và tình trạng người bị nạn để lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đưa ra phương pháp và biện pháp cứu người.

2/-Thoát nạn ở các công trình nhà nhiều tầng, cao tầng

Hầu hết mỗi công trình cao tầng hiện nay đều được thiết kế 2 cầu thang bộ thoát nạn kín hoặc hở (theo tiêu chuẩn), để đảm bảo khi có sự cố những người sinh sống và làm việc trong các công trình này có thể thoát nạn một cách an toàn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít công trình nhà cao tầng có cầu thang không đảm bảo theo quy định. Để thoát nạn đối với các công trình nhà cao tầng, cần chú ý:

+ Khi phát hiện có cháy, hãy bình tĩnh, di chuyển ra ban công, hành lang quan sát xem điểm xuất cháy từ đâu, tiếp đó di chuyển ra lối cầu thang bộ gần nhất để quan sát xem có nhiễm khói, khí độc không, trường hợp không nhiễm khói thì nhanh chóng di chuyển thoát nạn xuống phía dưới và thoát ra ngoài;

+ Trường hợp lối cầu thang bộ nhiễm khói, và tầng xảy ra cháy ngay bên dưới tầng mình đang ở, không thể thoát xuống phía dưới thì nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, mặt nạ lọc độc bảo vệ cơ quan hô hấp, di chuyển lên tầng trên tầng bị cháy từ 3 đến 4 tầng, sau đó vào một phòng nào đó, nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, chèn vào khe cửa, sử dụng băng dính dán vào cánh cửa để khói khí độc không vào được trong căn phòng. Sau đó nhanh chóng di chuyển ra ban công, gọi to ra hiệu, nếu cháy vào ban ngày thì sử dụng quần áo có màu sắc, buổi tối có thể sử dụng đèn pin hoặc sử dụng đèn của điện thoại. Đồng thời ngay lập tức gọi điện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số 114 để nhờ sự trợ giúp. Thông báo cụ thể vị trí người bị nạn, số lượng người bị nạn và 21 tình trạng người bị nạn để lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đưa ra phương pháp và biện pháp cứu người;

+ Để thoát nạn an toàn mọi người chỉ được dùng thang bộ, di chuyển theo đèn EXIT, đèn chỉ dẫn thoát nạn, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn, bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy sẽ bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kì, người bị nạn sẽ kẹt trong thang máy và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn;

+ Trên đường di chuyển thoát nạn cần dùng mặt nạ lọc độc (nếu có) hoặc khăn, vải thấm ướt che miệng, mũi để tránh hít phải khói khí độc; đồng thời cần thông báo cho mọi người ở các phòng hoặc các căn hộ liền kề biết về đám cháy để cùng thoát nạn;

+ Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người;

+ Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp triển khai phía dưới;

+ Nếu các căn hộ đã trang bị dây hạ chậm thì có thể sử dụng dây hạ chậm để thoát xuống phía dưới theo lối ban công của căn hộ.

* Khi có sự cố về cháy, nổ trên địa bàn Phường 1, thành phố Tây Ninh đề nghị người dân báo ngay cho:

- Lực lượng phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại : 114

- UBND Phường 1: 02763.822415 (Ông Trần Hữu Ngọc-Chủ tịch UBND Phường 1: 0908.423377; Ông Nguyễn Hoàng Phương-Phó Chủ tịch UBND Phường 1:0913.843409, ông Phạm Minh Khoa-Chỉ huy trưởng BCH Quân sự phường 1:0989.080280)

- Công an phường 1: 02763.827391 (ông Lê Minh Duy-Trưởng Công an Phường 1: 0913.666281, ông Trần Thái Trọng-Phó Công an Phường 1: 0937.484852)

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh

Nguồn tin: Cục CSPCCC và CHCN:

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
cong bao tay ninh
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay25
  • Tháng hiện tại28,018
  • Tổng lượt truy cập783,223
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây