Các thiết bị cần thiết để phòng cháy chữa cháy trong gia đình

Thứ hai - 18/09/2023 10:34 432 0

Ngày nay, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã không còn là nhiệm vụ chủ đạo của lực lượng công an PCCC nữa mà còn là trách nhiệm của mỗi cơ quan, mỗi người dân và toàn xã hội. Càng là công trình lớn thì cần phải trang bị thiết bị PCCC đầy đủ, bởi đây là nơi tập trung nhiều người và tài sản có giá trị. 

Dưới đây là những thiết bị phòng cháy chữa cháy mà mỗi công trình, hộ gia đình cần trang bị đầy đủ nhằm phát hiện nhằm kịp thời và cứu nạn, cứu hộ mỗi khi có “giặc lửa” tấn công.

1. Đầu báo cháy, thiết bị báo khói

Đầu báo cháy là thiết bị đầu tiên giúp con người phát hiện ra các dấu hiệu cháy như nhiệt độ tăng đột ngột, khói, lửa,… có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ, qua đó chúng ta có thể nhanh chóng sử dụng các thiết bị khác để kịp thời khống chế đám cháy.

Ngoài các nhà máy, văn phòng, các tòa nhà cao tầng, khu chung cư, hiện người dân cũng được khuyến khích trang bị thêm một đầu báo khói ngay trong căn hộ của mình nhằm đề phòng trường hợp đầu báo cháy của tòa nhà bị hư hỏng, trục trặc khiến chuông báo cháy kêu không đủ lớn khi bạn đóng kín cửa hay ngủ say.

Thiết bị báo khói được lắp đặt phía trên trần nhà, ngay tại cửa ra vào, nếu có khói tràn từ hành lang vào thì thiết bị sẽ ngay lập tức báo động cho những người ở trong nhà biết. Những thiết bị này thường hoạt động bằng pin nên khi sử dụng bạn không cần phải lo lắng về vấn đề thiết bị không hoạt động khi bị cúp điện.

2. Búa thoát hiểm

Búa thoát hiểm là một trong những thiết bị PCCC được sử dụng phổ biến trong nhiều công trình lớn nhỏ, hộ gia đình, xe ô tô,… Như các bạn cũng đã biết, mỗi khi có đám cháy xảy ra thì tâm lý sợ sệt, hoảng loạn là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, khi thoát ra ngoài có thể bạn sẽ quên cầm chìa khóa hoặc gặp phải những vật cản phía trước thì búa thoát hiểm là trợ thủ đắc lực giúp bạn nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

3. Bình chữa cháy xử lý cháy ban đầu

Trên thị trường hiện nay có 2 loại bình chữa cháy: bình bột khô và bình CO2. Cả 2 loại bình chữa cháy này đều không chữa được kim loại cháy, hồ quang & các chất giàu oxi mà chỉ có công dụng chữa cháy điện.

Bình chữa cháy bột khô

Khi sử dụng bình chữa cháy bột khô, bạn nên xịt vào chân của ngọn lửa đẩu tiên, tiếp theo lia bình qua lại xung quanh đám cháy cho đến khi tắt hẳn. Bình chữa cháy dạng bột khô có nhiều trọng lượng khác nhau từ 2kg - 8kg. 

Theo khuyến cáo PCCC, người dân nên chọn loại bình chữa cháy bột khô ABC có trọng lượng 2kg.

Lưu ý: Tuyệt đối không xịt bình chữa cháy bột khô vào đám cháy có vi mạch điện tử vì chúng sẽ bị hỏng nặng, không phục hồi được.

Bình chữa cháy CO2

Cũng như bình chữa cháy dạng bột khô, bình CO2 cũng có nhiều trọng lượng khác nhau từ 2kg - 8kg. Đối với các hộ gia đình, bình cứu hỏa mini CO2 loại 2kg vẫn được nhiều gia đình sử dụng, tuy nhiên loại bình này có nhược điểm lớn đó là gây ra bỏng lạnh cao và gây nguy hiểm khi sử dụng trong gia đình, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. 

Đối với các nhà máy, công ty, tòa nhà đã trải qua lớp tập huấn sử dụng các thiết bị PCCC thì việc trang bị bình chữa cháy CO2 là vô cùng hữu ích vì CO2 có tác dụng chữa cháy dập diện, gas, hóa chất, vải rất hiệu quả. 

Lưu ý: Không sử dụng bình CO2 để dập tắt đám cháy than và kim loại nóng vì nó có thể gây chết người.

4. Bình chữa cháy dung dịch bọt 

Bình chữa cháy dung dịch bọt được ưu tiên sử dụng trong khá nhiều hệ thống PCCC nhờ khả năng chữa cháy tốt trên phạm vi rộng. Thiết bị vừa có tính năng dập tắt đám cháy nguồn kim loại, hồ quang vừa có thể phun chữa cháy vật cứng mà không gây hỏng hóc thiết bị, đặc biệt là thiết bị điện. Hơn nữa, bạn có thể xịt lên người để băng qua đám cháy mà không sợ bị bỏng.

5. Mặt nạ chống khói

Có thể nói, mặt nạ chống khói là thiết bị không thể thiếu trong công tác PCCC. Đây là trợ thủ đắc lực giúp người dùng có thể hít thở bình thường để vượt qua khỏi những đám khói dày đặc, di chuyển đến khu vực an toàn. Hầu hết các mặt nạ đều có 2 lõi lọc khói sử dụng được từ 30 phút đến 1 giờ tùy theo độ đậm đặc của khói. Sản phẩm được thiết kế để người dùng đeo lên dễ dàng trong vòng 2 -3 giây.

Lưu ý: Bạn nên để mặt nạ chống khói ở phòng sinh hoạt hoặc phòng ngủ chứ không nên cất kỹ quá.

6. Thang dây inox

Bộ thang dây thoát hiểm inox là thiết bị cứu hộ mà mỗi cá nhân, đặc biệt là các hộ dân sinh sống trong các khu chung cư, căn hộ cao tầng, cao ốc,… cần phải trang bị để có thể tự giải cứu mình và những người xung quanh trong các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, động đất, thiên tai,…Bộ thang dây thoát hiểm được làm bằng sợi inox, được móc vào lan can của tòa nhà. Với bộ thang dây cuốn chỉ phù hợp với những ngôi nhà có độ cao từ 10m trở xuống, tương đương với căn nhà 3 tầng.

7. Bộ thang dây thoát hiểm hạ chậm

Bộ thang dây thoát hiểm hạ chậm là một hộp dụng cụ gọn nhẹ bao gồm dây thoát hiểm, giá treo, đai đeo và bộ điều tốc bằng thép được sơn tĩnh điện siêu bền, có tính năng hãm tốc. Dây thoát hiểm có chiều dài từ 20m - 100m, tương ứng độ cao từ tầng 3 - tầng 33. Sản phẩm có tốc độ hạ xuống theo cơ chế rất chậm rãi, an toàn nhưng lại giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

8. Mền chống cháy 

Mền chống cháy là thiết bị giúp hạn chế thiệt hại về người tối ưu nhất. Loại mền này được thiết kế đặc biệt với chất liệu sợi thủy tinh không bắt lửa. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, bạn có thể dùng mền để trùm lửa hoặc khoác lên người để chạy thoát ra khỏi đám cháy mà không bị phỏng. 

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh

Nguồn tin: Cục CSPCCC và CHCN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
cong bao tay ninh
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay383
  • Tháng hiện tại80,949
  • Tổng lượt truy cập748,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây