Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện Nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
1. Những đối tượng nào phải đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Theo Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định những đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
(1) Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
(2) Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đủ 18 tuổi trở lên.
2. Đối tượng nào không được đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Theo Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
(1) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
(2) Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
(3) Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Đối tượng nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
4. Thế nào là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự?
Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sụ năm 2015 quy định: Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
5. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện nghĩa vụ quân sự?
Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm:
(1) Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
(2) Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
(3) Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
(4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghia vụ quân sự.
(5) Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.
(6) Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
6. Độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định như thế nào?
Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như sau: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoặc gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh (tổng hợp)
Nguồn tin: BCHQS phường 1
Ý kiến bạn đọc