Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đã đi xa, nhưng những việc kỳ diệu mà Người đã làm và những trang sử mà Người đã viết không chỉ làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam mà còn khắc sâu trong trái tim bạn bè thế giới.
1. Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, độc lập dân tộc là mục tiêu xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể thấy, trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, từ năm 1911, với “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động đấu tranh trong phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức cũng như tham gia phong trào của giai cấp công nhân ở các nước tư bản. Bằng con đường lao động, Người làm đủ mọi nghề, đi qua nhiều vùng đất khác nhau và thực hiện nhiều hoạt động khác nhau như: tham gia sinh hoạt của công nhân, thợ thuyền, tiếp xúc với báo chí, lập hội, viết báo, viết sách phản ánh về nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc. Thực tiễn này đã giúp Người nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản và thực dân, cũng như hình thành ở Người tình hữu ái giai cấp đối với những người cùng khổ. Cũng chính thực tiễn ấy đã đem lại cho Người những kết luận quan trọng, tác động sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm của Người. Đó là, ở đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính, ở đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, chủ động đấu tranh, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Bước ngoặt lớn nhất trên con đường bôn ba đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là khi Người đọc được Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, làm Người sung sướng đến chừng nào vì đã tìm thấy “đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận ra con đường cứu nước duy nhất, đúng đắn nhất là con đường cách mạng vô sản, đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, tháng 12/1920. Ảnh TL
Từ đó, Người mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Không chỉ kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn góp phần phát triển học thuyết của V.I Lênin về cách mạng thuộc địa, làm sáng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; đưa ra luận điểm về tính chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và khẳng định sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân các nước thuộc địa. Hơn thế nữa, ngay từ rất sớm Hồ Chí Minh đã khẳng định: cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà còn có thể tiến hành trước, và thắng lợi của nó sẽ “giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.
Đối với cách mạng Việt Nam, điều quan trọng nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải có Đảng. Cách mạng có Đảng lãnh đạo như tầu có lái mới vượt qua phong ba bão táp, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, yêu cầu Đảng phải vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn ở nước ta, phải thường xuyên xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, chính trị, tư tưởng và đạo đức, xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Cùng với xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hết sức coi trọng việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì đoàn kết là sức mạnh. Ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng… Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận dân tộc thống nhất được thành lập. Đó là khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công” .
Tuyên ngôc độc lập-khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ( nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)
Đây chính là tư tưởng chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam, là động lực và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và Tổ quốc. Tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, ngày 3/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập… Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa” .
Không chỉ tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú ý xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những đơn vị tự vệ ban đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, lớn mạnh và trưởng thành, để hoàn thành vẻ vang mọi nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu qua các thời kỳ cách mạng, giữ vững lý tưởng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và một lực lượng Quân đội tinh nhuệ, dân tộc Việt Nam đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà trước hết phải kể đến là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do, sánh vai cùng các dân tộc đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.
Trong những năm tiếp theo, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Pháp, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Có thể nói, những thắng lợi này đã khẳng định và đưa tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào lịch sử cách mạng thế giới như là người khởi xướng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng, cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất là bởi Người là “biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Sự nghiệp và những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ còn tiếp tục được nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới ngưỡng mộ và tôn vinh trong nhiều năm sau nữa, như lời nhận xét của Chủ tịch danh dự Hội đồng hòa bình thế giới, ông Romesh Chandra trong bài tham luận tại cuộc Hội thảo quốc tế Việt Nam trong thế kỷ XX, được tổ chức tại Hà Nội, năm 2001: “Trong nửa sau thế kỷ XX, có một từ đã xuất hiện trong tiếng nói của những người bảo vệ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, một từ mà cùng một lúc mang rất nhiều ý nghĩa: đấu tranh, dũng cảm, anh hùng; và nó còn có ý nghĩa là chiến thắng, độc lập, tự do.Từ đó là Việt Nam.
Và có một cái tên đã luôn gắn liền với từ này - từ chỉ tên của một đất nước. Đó là Hồ Chí Minh. Người là niềm cảm hứng cho cuộc đấu tranh bất khuất của dân tộc mình, và cũng là nguồn cảm hứng cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhất của nhân loại”.
2. Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam
“Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới”.
Có thể nói, ở Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng dân tộc luôn song hành với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam không tách rời công cuộc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Chính vì vậy, thật khó để tách rời Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa đối với công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà. Người chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, ngay trong lúc bộn bề của những công việc cấp bách trong những ngày đầu thành lập nước, Hồ Chí Minh vẫn chú trọng xây dựng một nền văn hóa mới, có nội dung cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân. Tại Lễ khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”. Ngay bản thân Người, trong quá trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, Người cũng đã hấp thu mọi tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hóa Pháp. Người trân trọng mọi giá trị văn hóa nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt với sự lựa chọn của mình. Với tấm lòng rộng mở, khoan dung và nhân hòa, Hồ Chí Minh đã tìm thấy điểm gặp gỡ và giao thoa giữa các nền văn hóa, giữa các tôn giáo, các học thuyết chính trị, các vị lãnh tụ, các chính khách lớn để tìm ra một phong cách ứng xử, một nhân cách văn hóa rất Hồ Chí Minh, rất Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan năm 1957. Ảnh TL
Với tư cách là danh nhân văn hóa, Hồ Chí Minh đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của văn hóa nhân loại.
Bằng tư tưởng và tấm gương sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tiềm năng truyền thống văn hóa Việt Nam, Người phát động phong trào xây dựng đời sống mới, để xây dựng một nền đạo đức mới, con người mới; chống những thói quen xấu và hủ tục lạc hậu; phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân. Bên cạnh đó, những chủ trương văn hóa đi trước thời đại của Người như: xóa nạn mù chữ, trồng người, trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái… hiện đã và đang được Liên hợp quốc đề xuất thành các cuộc vận động lớn trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh rõ ràng đã thúc đẩy và nâng dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới.
Hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận thức sâu sắc rằng ngôn ngữ chính là chìa khóa để mở cánh cửa tiếp cận với văn minh. Bản thân Người là tấm gương không ngừng học hỏi và tiếp cận với các ngôn ngữ trên thế giới. Khi sống, làm việc ở nước Pháp, một trung tâm văn hóa của châu Âu, Hồ Chí Minh đã học và sử dụng thành thạo tiếng Pháp để có thể tiếp cận những dòng chảy của tư tưởng dân chủ, tinh hoa của nền triết học ánh sáng với những tên tuổi lớn như: Voltaire, Rousseau... Khi đến với đất nước của Lênin vĩ đại, Người lại cần mẫn học tiếng Nga để có thể thâm nhập, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Nga, về những di huấn, nghiên cứu của Lênin về cách mạng và con đường giải phóng cho những dân tộc bị áp bức, bóc lột. Và trong thời gian ở bị giam cầm ở Quảng Châu, Trung Quốc, những vần thơ viết bằng chữ Hán (tập thơ Nhật ký trong tù) của Người là những tác phẩm có thể xếp ngang hàng với những bài thơ của các thi nhân đời Đường, đời Tống của Trung Quốc.
Không chỉ là nhà thơ, với những vần thơ khi thì sắc bén, mang đậm tính cách mạng, khi là những câu viết thể hiện chất trữ tình đằm thắm và một tâm hồn lạc quan, tươi sáng nhưng ẩn chứa trong đó là một tấm lòng luôn canh cánh nỗi niềm lo âu cho vận mệnh nước nhà, Người còn là nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Chính Hồ Chí Minh là người đã khai sáng ra nền văn học cách mạng, dùng ngòi bút làm vũ khí tuyên truyền cho cách mạng. Ngay khi mới sang Pháp, tác phẩm Con rồng tre và các truyện Vi hành, Những lời than vãn của bà Trưng Trắc đã góp phần đả kích và phơi bày sự thật về chuyến đi của vua bù nhìn Khải Định, khi ông ta sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa tại Marseille (tháng 6-1922). Sau này, với những bài viết thuộc nhiều thể loại khác nhau đăng trên các báo như L’Humanité (Nhân đạo), La vie Ouvrière (Đời sống công nhân), La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản), Pravda (Sự thật)... trong những năm tháng sống và hoạt động ở nước ngoài cũng như những bài viết đăng trên các báo Nhân dân, Cứu quốc... Khi ở cương vị là Chủ tịch nước, cùng những tờ báo do Người sáng lập như Le Paria (1922), Thanh niên (1925), Việt Nam Độc lập (1941)… đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa, giáo dục về chủ nghĩa xã hội, xây dựng kinh tế, bồi dưỡng con người mới...
Tổ chức UNESCO đã đánh giá: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Trải qua thời gian, thực tiễn lịch sử càng ngày chứng minh rằng, Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, không chỉ kết tinh những thành tựu của quá khứ, không chỉ thể hiện đỉnh cao của trí tuệ và tâm hồn thời đại mà còn là những phẩm chất tiêu biểu cho nền văn hóa tương lai, đúng như nhận xét tài tình của nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” .
Chúng ta – những người cán bộ, Đảng viên dưới thời đại Hồ Chí Minh - phải trân trọng và trân quý những đóng góp, cống hiến của Người và luôn tự nhắc nhở bản thân luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó để tiếp tục góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh (tổng hợp)
Nguồn tin: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ý kiến bạn đọc