Sẽ có quy định riêng về phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở kết hợp kinh doanh

Thứ năm - 24/08/2023 07:23 174 0

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD). Dự thảo có 4 điểm mới đáng chú ý, trong đó dự kiến sẽ có quy định riêng về phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở kết hợp kinh doanh và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương ban hành quy chuẩn địa phương

Bốn điểm mới đáng chú ý

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) mới chỉ có hiệu lực từ tháng 1.2023, song bị phản ánh là có một số vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Các chủ đầu tư thường gặp khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến công tác thiết kế, thẩm duyệt, áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy.

Diễn tập phương án chữa cháy tại Nhà máy Gạo xuất khẩu Tây Ninh. Ảnh: Quang Son

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về việc rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (Công điện 220/CĐ-TTg), Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát, sửa đổi QCVN 06: 2022/BXD, nhằm bảo đảm các cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Dự thảo sửa đổi lần 1 của QCVN 06:2022/BXD (sau đây gọi là dự thảo) có 4 định hướng đáng chú ý.

Về phạm vi áp dụng, nhà ở kết hợp kinh doanh có chiều cao dưới 25m được đề nghị đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh để xây dựng quy định riêng cho các loại nhà này. Lý do là loại nhà này khi xây dựng thường là nhà ở riêng lẻ, sau đó cải tạo kinh doanh nên khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong khi đó, Quy chuẩn có khung quy định, hệ thống rõ ràng, liên kết chặt chẽ với nhau và không thể phá vỡ hệ thống để đáp ứng riêng các đối tượng này. Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất không áp dụng QCVN 06:2022/BXD cho các công trình phục vụ giao thông vận tải và nông nghiệp và phát triển nông thôn, bởi không thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, dự thảo phân cấp mạnh hơn cho các địa phương về quyền ban hành các quy chuẩn địa phương thay thế các yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ một nền móng chung là hệ thống phân loại kỹ thuật về phòng cháy của QCVN 06:2022/BXD để các quy định có thể khác nhau về con số nhưng chung gốc.

Đồng thời, dự thảo bổ sung các quy định về pháp lý và kỹ thuật, các tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá để người thiết kế có thể thiết kế an toàn phòng cháy gắn với điều kiện cụ thể của công trình mà không bị ràng buộc bởi các thông số tiền định của quy chuẩn. Mặt khác, các thiết kế này được đề xuất chỉ cần thẩm duyệt theo quy định pháp luật, không phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao sẽ được bổ sung các yêu cầu an toàn cháy cụ thể gắn với đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng ở nước ta.

Quy định phải phù hợp với thực tế

Thời gian qua, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã tổ chức nhiều hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi QCVN 06:2022/BXD.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, cho rằng, dự thảo lần 1 sửa đổi QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về việc cắt giảm một số công trình phải áp dụng, đồng thời nghiên cứu về các tiêu chuẩn cho phép áp dụng đồng bộ. Các quy định phải phù hợp với thực tế khi doanh nghiệp, cá nhân áp dụng, bà Duyên nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) cho rằng, “phòng cháy” tốt hơn “chữa cháy”, do đó quá trình sửa đổi QCVN 06:2022/BXD nên chú trọng nội dung này. Theo ông Tuấn Anh, một số đơn vị tư vấn nước ngoài nhận xét quy chuẩn liên quan đến vật liệu của Việt Nam cao quá khiến chủ đầu tư gặp khó về chi phí xây dựng và hoàn thiện công trình. Ví dụ yêu cầu về sơn chống cháy khiến bài toán kinh tế và chi phí công trình bị “đội” lên nhiều. Hay, kính dùng cho công trình nhà ở xã hội cũng vậy, chủng loại kính chịu nhiệt nhưng gioăng và phụ kiện lại không đáp ứng được... Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng, cần tăng cường yếu tố phòng chống cháy hơn là quy định phải đáp ứng các yếu tố về chữa cháy như hiện nay.

Đại diện ban soạn thảo, TS. Cao Duy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng, cho biết, quá trình sửa đổi QCVN 06:2022/BXD gặp khó khăn khi hầu hết ý kiến đóng góp đều xuất phát từ góc độ kinh tế chứ chưa thiên về an toàn cho con người trong phòng cháy. Cùng đó, việc thực thi Quy chuẩn này cũng còn những vướng mắc nhất định. Điển hình như việc Quy chuẩn quy định người sử dụng có thể làm tất cả những gì Quy chuẩn không cấm nhưng trên thực tế, khi vận dụng để thực hành, nhiều đơn vị, cơ quan quản lý, địa phương... lại áp thành đối tượng chỉ được làm những gì Quy chuẩn cho phép. Cách hiểu này chưa đúng, ông Khôi nhấn mạnh.

“QCVN 06:2022/BXD là quy chuẩn khó, nặng về kỹ thuật và chuyên sâu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chưa có đào tạo bài bản về an toàn cháy cho nhà và công trình cũng như yêu cầu tăng cường quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Điều này đòi hỏi tất cả các bên liên quan cần nghiên cứu kỹ, nắm bắt tốt các quy định của QCVN 06:2022/BXD để hiểu đúng, áp dụng đúng”, ông Khôi nói.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát nội dung sửa đổi lần 1 của QCVN 06:2022/BXD. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn này, biên soạn mới hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp

QCVN 06:2022/BXD không quy định về sơn chống cháy

Theo Bộ Xây dựng, QCVN 06:2022/BXD không quy định về sơn chống cháy nhưng một số ý kiến lại cho rằng do quy chuẩn mới quy định quá cao. Nếu sử dụng sơn chống cháy, xét trên cùng một công trình nhà xưởng, thì lượng sơn tiêu tốn ở Việt Nam so với thế giới ở mức trung bình thấp, do các yêu cầu về bảo vệ chịu lửa kết cấu của Việt Nam ở mức trung bình thấp.

Bên cạnh đó, thông tin cho rằng chỉ có 1, 2 nhãn hiệu sơn chống cháy ở Việt Nam cũng chưa chính xác. Hiện nay ở Việt Nam đã có hàng chục nhãn hiệu sơn chống cháy khác nhau đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP và khoảng 10 nhãn hiệu sơn theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP26.

Bộ Xây dựng cũng khẳng định các yêu cầu giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái là cần thiết để ngăn cháy lan bên trong công trình, tránh sập đổ sớm phần mái. Các nước trên thế giới đều có những quy định tương tự hoặc cao hơn Việt Nam. Thực nghiệm tại Việt Nam cho cụm mái với cấu tạo thông thường hoàn toàn bảo đảm yêu cầu quy chuẩn cho thấy tính thực tiễn của quy định. Bộ Xây dựng cho rằng, các quy định này đã có từ phiên bản QCVN 06:2010/BXD, cách đây đã 13 năm nhưng đến giờ mới được lưu

Tác giả bài viết: Huỳnh Quí

Nguồn tin: Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay1,636
  • Tháng hiện tại60,694
  • Tổng lượt truy cập1,754,162
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây