Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một trong những ngày lễ lớn của tôn giáo Cao Đài
Hội yến Diêu Trì Cung có nguồn gốc từ xa xưa, theo một tích cổ được thuật lại rằng, vua Hán Vũ Đế đã tiếp đón đức Phật Mẫu tại nhà ông Cao Quỳnh Cư. Ngay sau bữa tiệc đãi Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên nương lần đầu tiên vào đêm ngày rằm tháng 8 năm 1925 (Ất Sửu), Lệnh bà và Cửu vị Tiên nương lần lượt giáng cơ để lời cảm ơn ba ông, rồi mỗi vị cho một bài thi 4 câu để kỷ niệm. Từ tích cổ này, đại lễ đã được đạo Cao Đài đón nhận, phát triển thành một phần quan trọng và không thể thiếu trong giáo lý cũng như các nghi lễ.
Hằng năm, Hội thánh Cao đài Tây Ninh luôn tổ chức Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung một cách long trọng tại Điện Thờ Phật Mẫu trong nội ô Tòa thánh Tây Ninh vào ngày 15/8 Âm lịch trùng dịp Tết Trung thu kéo dài đến ngày 16/8 Âm lịch. Lễ hội đã thu hút hàng chục vạn tín đồ đạo Cao đài và đông đảo nhân dân ở các tỉnh Bắc, Trung, Nam về dự. Với sự góp mặt đông đảo tín đồ Cao Đài trên cả nước, Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân theo tôn giáo Cao Đài. Đây là một Đại lễ thực sự có ý nghĩa về đức tin, tôn giáo và văn hóa cũng như giá trị tinh thần hướng thiện.
Quang cảnh múa Rồng nhang tại Hội yến Diêu Trì Cung của tôn giáo Cao Đài
Đại lễ được tổ chức đúng như tên gọi, gồm có phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ được chú trọng hơn:
Phần lễ theo truyền thống của đạo, cúng vào đêm ngày 15 tháng 8 âm lịch, kéo dài từ chiều đến mười hai giờ với nhiều hoạt động như rước cộ bông Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, múa rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy, phụng; đội múa phụng và đội nhạc hoành tráng. Chi tiết hơn, vào lúc 00 giờ ngày 15 tháng 8 âm lịch, phần lễ của Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được Hội Thánh cúng Tiểu Đàn tại Đền Thánh vào thời Tý, tiếp theo vào giờ Ngọ nhằm 12 giờ trưa ngày 15 tháng 8 âm lịch sẽ cúng đàn Phật Mẫu tại Báo Ân. Sau đó Hội Yến sẽ tiếp tục diễn ra tại Báo Ân từ 22 giờ, nơi Báo Ân từ ngoại nghi trở vào Lễ Viện được sắp đặt nghi tiết Đại lễ. Trên bàn thờ sẽ sắp xếp 1 cái ly và 1 cái tách dành riêng cho Đức Phật Mẫu, bên phải cũng có 1 ly và 1 tách khác để kính Đức Chí Tôn. Phía dưới là bàn dài có bày quả phẩm, 12 ghế của Cửu vị Tiên nương, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh được trang trí thêu hoa, bên trên đặt bảo bối của các vị rất tinh xảo.
Đúng giờ hành lễ, mọi người sẽ cung nghênh Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên nương bằng 5 bài Bắc như sau: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long Đăng, Tiểu khúc.Đệm cho bài Bắc sẽ có các loại nhạc khí bát âm như: kìm, cò, sáo tam, sến… Dứt tiếng đàn thì bắt đầu dâng hoa, sau đó là dâng rượu, dâng trà. Cuối cùng là buổi lễ cầu an và phát quà cho nhi đồng vào lúc 6 giờ sáng ngày 16 tháng 8 âm lịch.
Tín đồ Cao Đài cầu nguyện trước Đền Thánh
Phần hội của Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung gồm các tiết mục rước cộ bông hình Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên nương và Tam Thiên Quân (Phước - Lộc - Thọ). Bên cạnh đó cũng sẽ có các điệu múa Long Mã, múa Tứ linh (Rồng nhang, Ngọc kỳ lân, Quy, Phụng), đội Nhạc múa sắc tộc diễu hành Báo Ân từ Đền Thánh rồi vòng qua Đông Tây khán đài.
Tiết mục múa Rồng nhang đặc sắc của Hội yến Diêu Trì Cung
Vào ngày Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, xung quanh Báo Ân Từ, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một không gian rực rỡ sắc màu của hoa quả và các vật phẩm, đèn hoa trang trí hiến lễ tại hơn 100 gian trưng bày của trên 400 Họ Đạo cùng với Ban Đại Diện Hội Thánh các tỉnh, thành phố, tất nhiên không thể thiếu các cơ quan của Đạo từ trung ương đến địa phương trên toàn quốc về tham dự. Đó chỉ là những bông hoa và trái cây bình thường nhưng nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nên tạo thành nhiều tác phẩm rực rỡ, sống động theo các chủ đề như Long, Lân, Quy, Phụng. Quà phẩm, bánh trái hiến lễ này sau đó được phát cho thiếu nhi làm quà Lễ Trung thu.
Văn hóa tôn giáo thật sự mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị vô hình đến với mọi người.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh
Nguồn tin: ST
Ý kiến bạn đọc