Theo từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học (2003) giải thích, từ Trách nhiệm có 2 nghĩa:
- Phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phẩn hậu quả.
- Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mỉnh, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thi phải gánh chịu phần hậu quả.
Một cách dễ hiểu hơn, Tinh thần trách nhiệm là: “Làm tròn nghĩa vụ với công việc, lời nói của mình và sự tin tưởng dành cho mình. Khi xảy ra sự cố hoặc điều sai trái, phải thành thật gánh chịu hậu quả, không đùn đẩy cho người khác”.
I.Tại sao chịu trách nhiệm lại quan trọng?
Biết chịu trách nhiệm là đức tính rất quan trọng trong cuộc sống. Điều này sẽ được làm rõ ở những điểm sau:
*Kết quả làm việc tốt hơn: Tâm lý phải chịu trách nhiệm cho kết quả sẽ khiến con người có động lực làm việc một cách thật sự nghiêm túc. Từ đó, hiệu suất sẽ nâng cao hơn, dẫn đến kết quả công việc tốt hơn.
*Tạo dựng sự uy tín: Người có tinh thần trách nhiệm luôn biết giữ lời hứa. Điều này sẽ giúp họ trở nên uy tín hơn và được nhiều người xung quanh tín nhiệm.
*Được trao cơ hội nhiều hơn: Người biết chịu trách nhiệm nếu không may xảy ra sơ suất sẽ không đùn đẩy cho người khác mà thành thật nhận lỗi bất chấp hậu quả có tệ đến đâu. Sự trung thực này sẽ dễ được mọi người cảm thông, từ đó được trao cơ hội nhiều hơn trong công việc và cuộc sống.
*Hoàn thiện bản thân: Người có trách nhiệm luôn có tinh thần muốn khắc phục những lỗi mà mình gây ra. Từ đó, họ sẽ rút được những kinh nghiệm, cách giải quyết vấn đề tốt hơn và từ đó hoàn thiện bản thân mình hơn.
*Tạo ra sự đoàn kết: Người có trách nhiệm sẽ có tinh thần đồng đội cao. Do đó, họ luôn hỗ trợ mọi người xung quanh khi cần thiết để cùng nhanh chóng đạt được mục tiêu trong công việc chung.
*Được yêu quý, kính trọng: Trách nhiệm là tổng hòa của những đức tính cao quý, bao gồm: Trung thực, giữ chứ tín, dũng cảm, biết nghĩ cho người khác,... Do đó, người có tinh thần trách nhiệm sẽ được nhiều người yêu quý, kính trọng.
Trong cuộc sống, tinh thần trách nhiệm nhìn chung sẽ giúp chúng ta đảm bảo được chữ tín của bản thân để được mọi người kính trọng nhiều hơn. Trong công việc, người trách nhiệm sẽ giúp đội nhóm đoàn kết, tăng cường hiệu suất làm việc và từ đó cùng nhau đạt được nhiều mục tiêu đột phá hơn.
Với những điều trên, người có tinh thần trách nhiệm thường sẽ được trọng dụng và có con đường sự nghiệp tươi sáng, thành công. Xã hội càng có nhiều người có tinh thần trách nhiệm thì cộng đồng sẽ văn minh hơn, đất nước sẽ phát triển hơn.
II. Nâng cao tính trách nhiệm
Tinh thần trách nhiệm rất có ích, điều này không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, để có và nâng cao được tính trách nhiệm cho bản thân thì nên bắt đầu từ đâu. Sau đây là những cách giúp bạn có thể áp dụng được đức tính này trong cuộc sống cũng như trong công việc của mình:
1/-Tuân thủ đúng thời hạn
Những hành động tuân thủ đúng thời hạn như: đến cơ quan đúng giờ, hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian... là minh chứng cho sự nghiêm túc và tôn trọng với công việc của bạn, đặc biệt là khi những việc này ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Một khi trở thành người luôn đúng hạn, bạn sẽ được mọi người tin tưởng và giao nhiều trọng trách hơn.
2/-Loại bỏ việc không cần thiết, tập trung vào điều quan trọng
Trong lúc làm việc, chúng ta thường bị phân tâm bởi những việc không cần thiết như: lướt mạng xã hội, chơi game, suy nghĩ vẩn vơ hoặc thực hiện những việc không quá cấp bách. Điều này là tác nhân chính tạo ra tính trì hoãn gây gián đoạn công việc, từ đó làm giảm năng suất của bạn dẫn đến trễ thời hạn.
Vì thế, bạn cần phải lựa chọn ra điều cần thiết nhất để làm trước, tạm gác lại những việc chưa quan trọng và mạnh dạn loại bỏ những việc vô ích (như lướt mạng xã hội). Từ đó, bạn sẽ tập trung hết nguồn lực của bản thân để làm việc hiệu quả hơn.
3/-Giữ lời hứa
Bằng mọi giá phải thực hiện những lời hứa của bản thân là một tính cách tốt giúp bạn trở nên đáng tin, uy tín hơn trong mắt người khác.
Sự uy tín ngày càng tăng cao, bạn sẽ càng được tín nhiệm và được nhiều sự kính trọng bởi những người xung quanh. Do đó, nếu đã hứa với ai đó những gì, hãy cố gắng thực hiện nhé.
4/-Biết nhận sai, không đùn đẩy cho người khác
Khi bản thân gây ra sự cố không mong muốn, hãy dũng cảm chịu trách nhiệm mà không bao biện hoặc đùn đẩy cho người khác. Điều này sẽ giúp bạn được mọi người cảm thông nhiều hơn và được trao cơ hội để sửa sai trong tương lai.
Việc bao biện, đùn đẩy cho người khác chỉ mang lại ấn tượng xấu cho bạn, trong khi đó bạn vẫn không trốn tránh được trách nhiệm cá nhân. Việc bị những người xung quanh "ghét" sẽ không hề tốt chút nào cho bạn nếu muốn phát triển trong công việc và cuộc sống.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh St
Ý kiến bạn đọc