Cùng với Zalo, Telegram đang là ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được người dùng Việt Nam ưa chuộng. Gần đây đã bắt đầu có những hình thức lừa đảo trên Telegram diễn ra ngày càng tinh vi và nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Cụ thể, một số người dùng Telegram tại Việt Nam đã bị tin tặc chiếm dụng tài khoản thông qua hình thức tấn công lừa đảo. Đây không phải lỗi bảo mật của Telegram, mà là do sự chủ quan của người dùng khi không kích hoạt các tính năng bảo vệ tài khoản cần thiết, cũng như còn lạ lẫm với một số tính năng của ứng dụng này.
Một số hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên Telegram hiện nay là tạo nhóm tạo kênh và tạo bot để kiếm tiền; tạo nhóm, tạo kênh, tham gia group để kiếm tiền; giả mạo nhà cung cấp dịch vụ - đây là phương thức lừa đảo khá phổ biến, nhưng vẫn nhiều người dùng mắc bẫy, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo các nhà cung cấp dịch vụ và gửi tin nhắn cho người dùng. Đối tượng hay bị nhắm tới thường là những người dùng ít am hiểu về công nghệ, coi Telegram là kênh phụ, không thường xuyên quan tâm đến những biện pháp bảo mật.
Nhiều công ty đã bắt đầu áp dụng Telegram vào trong công việc nhờ tính bảo mật, tiện dụng và hơn cả là miễn phí. Khi càng trở nên phổ biến, Telegram cũng trở thành miếng mồi ngon cho tin tặc, bởi nhiều người dùng còn bỡ ngỡ trong việc sử dụng ứng dụng mới.
Với Telegram, bạn có thể đổi tên nhiều lần mà không bị ứng dụng yêu cầu xác minh như Zalo (3 lần), Facebook (5 lần). Đồng thời, Telegram cho phép người gửi xóa được hết các tin nhắn trò chuyện của cả người nhận, trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được ở phía người gửi.
Lợi dụng kẽ hở này, kẻ gian sẽ đổi tên nick Telegram thường xuyên, đồng thời thay đổi cả ảnh đại diện để chat với nạn nhân. Với mỗi lần đổi tên và xóa tin nhắn như thế, người nhận (nạn nhân) dù đã từng nhắn tin với kẻ gian cũng không hay biết, cứ ngỡ đang nhắn tin với một người khác.
Với tính năng xóa dữ liệu 2 chiều, kẻ gian không phải lập nick mới, tốn thời gian. Đó là lý do vì sao mỗi lần muốn làm nhiệm vụ kiếm tiền, nạn nhân lại được kết nối với một người mới qua ứng dụng Telegram. Cứ sau mỗi lần lừa thành công hoặc kết thúc một phiên trò chuyện, kẻ gian lại đổi tên, ảnh đại diện khác để tiếp tục đi lừa, nên rất khó xác định.
Bên cạnh đó, trên một ứng dụng Telegram có thể chuyển đổi giữa các nick khác nhau dễ dàng, nhanh chóng (trong khi các ứng dụng khác phải mất thời gian). Điều này giúp kẻ gian có thể tạo ra nhiều nick bằng nhiều số điện thoại, rồi đóng vai nhiều người tiếp cận, cùng lừa đảo nạn nhân.
Chiêu bài của kẻ gian
Chiêu bài của kẻ gian thường đóng giả người tư vấn công việc, kế toán trả lương, chuyên viên hướng dẫn công việc để cùng hỗ trợ khách hàng. Hoặc một người bất kỳ sau khi thấy nạn nhân vào nhóm, băn khoăn chưa nạp vốn sẽ tiếp cận để “khuyên nhủ” nhanh chóng chuyển tiền nạp vốn. Hầu hết các nhân vật đóng giả đều là của một người.
Thủ đoạn của các đối tượng để "dẫn" nạn nhân sử dụng Telegram nhằm mục đích lừa đảo,chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản Telegram của tin tặc thường khá đơn giản. Kẻ tấn công sẽ tiếp cận người bị hại như sau: Đầu tiên kẻ tấn công sẽ tìm cách lấy được số điện thoại của nạn nhân, lợi dụng sơ hở của người dùng khi để công khai thông tin số điện thoại trên Telegram.
Thông thường, cài đặt thông tin số điện thoại trên Telegram có 3 tùy chọn: Bất kỳ ai cũng có thể xem số điện thoại của người dùng; chỉ những người trong danh sách liên lạc mới có thể xem; không ai có thể xem.
Kẻ tấn công có thể lấy số điện thoại nếu người dùng để tùy chọn đầu tiên. Theo đó, tin tặc có thể xem được số điện thoại của người dùng thông qua những group public trên Telegram khi người dùng bật chế độ bất kỳ ai cũng có xem số điện thoại của mình.
Ngoài ra, kẻ tấn công có thể lấy số điện thoại người dùng qua cách chiếm đoạt một tài khoản khác có trong danh sách liên hệ, hoặc qua bất kì kênh nào mà người dùng để lộ số điện thoại.
Sau khi có số điện thoại, kẻ tấn công sẽ tiếp cận với người dùng và khéo léo lừa nạn nhân chụp ảnh màn hình có chứa mã OTP của Telegram. Khi có mã OTP, kẻ tấn công dễ dàng đăng nhập vào tài khoản nạn nhân trong trường hợp tài khoản này không có xác thực hai yếu tố.
Sau đó tin tặc sẽ chờ một ngày (theo quy định của Telegram), để xóa phiên (session) đăng nhập của nạn nhân khỏi tài khoản. Khi ấy người dùng sẽ bị đăng xuất khỏi tài khoản của chính mình trên thiết bị đang dùng.
Telegram có tính năng thông báo đăng nhập, khi người dùng bỗng dưng nhận được thông báo đăng nhập lạ, đó có thể là kẻ gian. Hãy cẩn trọng và vào mục Active Session kiểm tra cũng như xóa ngay khi không nhận ra thiết bị trên. Và hãy cảnh giác với những tin nhắn từ người lạ trên Telegram và cẩn trọng trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Chính phủ:
Ý kiến bạn đọc