Điều 1 Công ước Chống tra tấn quy định:
Trên cơ sở định nghĩa nói trên, có thể thấy rằng hành vi được coi là “tra tấn” theo Công ước có dấu hiệu nhận biết như sau:
(1) Hành vi: gây đau đớn, đau khổ nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần.
(2) Lỗi: Cố ý
(3) Chủ thể thực hiện hành vi: cán bộ, công chức nhà nước hoặc cá nhân được trao quyền thi hành công vụ; cá nhân thực hiện hành vi trên cơ sở sự cho phép, chấp thuận, đồng tình của cán bộ, công chức nhà nước. Tại Bình luận chung số 20 của Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban Nhân quyền cho rằng, hành vi có tính chất tra tấn bị cấm không phụ thuộc vào việc hành vi đó có được thực hiện khi cán bộ nhà nước thi hành công vụ hay không.
(4) Mục đích:
+ Thu thập thông tin; lời thú tội từ nạn nhân hoặc từ người thứ ba có quan hệ với nạn nhân;
+ Trừng phạt;
+ Đe dọa, cưỡng ép nạn nhân hoặc người thứ ba có quan hệ với nạn nhân phải thực hiện hành vi trái ý muốn của họ;
+ Phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, Điều 1 Công ước Chống tra tấn cũng xác định rõ, những trường hợp áp dụng hình phạt hợp pháp song hình phạt đó gây ra các đau đớn, khổ sở nhất định, không tránh khỏi do gắn liền với bản chất hình phạt sẽ không được coi là tra tấn. Chẳng hạn như, hình phạt tử hình là hình phạt còn tồn tại ở nhiều quốc gia và không bị coi là tra tấn.
Cần lưu ý rằng, mặc dù tại tên gọi đầy đủ của Công ước đề cập tới “tra tấn” và “biện pháp đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, Công ước chỉ đưa ra định nghĩa đối với “tra tấn” (Điều 1). Các hành vi “đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhận đạo hoặc hạ nhục con người” được phân biệt với hành vi tra tấn dựa vào các đặc điểm sau:
(1) Mối quan hệ giữa nạn nhân và người thực hiện hành vi: Đối với tra tấn, nạn nhân ở vị thế hoàn toàn thấp hơn so với người thực hiện hành vi ta tấn. Trong khi đó, trong các trường hợp đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, sự yếu thế của nạn nhân có thể không thể hiện rõ.
(2) Mức độ nghiêm trọng của tổn thương: Trong định nghĩa tại Điều 1 Công ước Chống tra tấn, hành vi được coi là tra tấn nếu gây ra các tổn thương “nghiêm trọng”. Những hành vi không ra tổn thương “nghiêm trọng”, khi đặt cùng bối cảnh, sẽ được xếp vào nhóm hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Việc xác định mức độ “nghiêm trọng” của các tổn thương chỉ mang tính định lượng và phải được xem xét, đánh giá trong từng vụ việc cụ thể, dựa trên các yếu tố:
- Thời gian thực hiện hành vi gây ra các tổn thương;
- Các tác động của hành vi đối với thể chất, tinh thần của nạn nhân;
- Điều kiện sức khỏe, độ tuổi, giới tính của từng nạn nhân.
Qua thực tiễn, có thể thấy rằng, thông thường, các hành vi được coi là tra tấn nếu tổn thương gây ra về mặt thể chất, tinh thần cho nạn nhân là không thể phục hồi.
(3) Mục đích của hành vi: Đối với tra tấn, mục đích của người thực hiện hành vi rất rõ ràng và đã được liệt kê tại định nghĩa. Tuy nhiên, đối với các hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, mục đích thực hiện hành vi có thể không nhằm các mục đích thu thập thông tin, lời thú tội, trừng phạt…
Như vậy, nói một cách ngắn gọn, so với tra tấn, các hành vi “đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” bị thiếu một trong các yếu tố nhận biết được nêu tại định nghĩa về tra tấn.
Theo quy định của Điều 2 Công ước Chống tra tấn, hành vi “tra tấn” bị cấm tuyệt đối (không có ngoại lệ, không được miễn trừ trách nhiệm trong mọi trường hợp). Khác với tra tấn, hành vi “đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” không được quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà chỉ được yêu cầu các quốc gia thành viên phải “ngăn chặn” (Điều 16 Công ước Chống tra tấn).
Tác giả bài viết: Thanh Tâm
Nguồn tin: Tài liệu tuyên truyền về Công ước chống tra tấn
Ý kiến bạn đọc