Quá trình tham gia Công ước chống tra tấn của Việt Nam

Thứ sáu - 28/07/2023 10:39 192 0

1.Quá trình tham gia Công ước

Ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Ngày 05/02/2015, Việt Nam chính thức nộp văn kiện phê chuẩn Công ước Chống tra tấn tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Trong văn kiện này, Việt Nam tuyên bố bảo lưu 02 quy định của Công ước Chống tra tấn, gồm có Điều 20 (thẩm quyền của Ủy ban Chống tra tấn trong việc điều tra tình trạng tra tấn có hệ thống, trên diện rộng của quốc gia thành viên) và khoản 1 Điều 30 (về cách thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế).

Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ của quốc gia thành viên được quy định tại Điều 19 Công ước, ngày 20/7/2017, Việt Nam đã gửi Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất tới Ủy ban Chống tra tấn. Ngày 10-11/11/2018, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn, đã tham dự Phiên đối thoại với Ủy ban Chống tra tấn về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam. Kết thúc Phiên đối thoại, Ủy ban Chống tra tấn đã gửi các khuyến nghị của mình tới Việt Nam (công bố ngày 28/12/2018).

2.Tổ chức thực hiện Công ước tại Việt Nam

Nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện Công ước Chống tra tấn được hiệu quả, 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn tại Việt Nam (Quyết định số 364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tại Kế hoạch nói trên, Việt Nam đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để triển khai thực hiện Công ước; phân công nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cũng như thời gian triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ chủ yếu được quy định tại Kế hoạch gồm có:

(1) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn

(2) Nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn, trong đó có:

- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến các hành vi tra tấn trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) phù hợp với nội dung định nghĩa tra tấn của Công ước;

- Nghiên cứu hoàn thiện các quy định có liên quan trong Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam;

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án hình sự; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để đảm bảo tốt hơn quyền con người và phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước chống tra tấn;

- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ;

- Nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế, để có những điều chỉnh đồng bộ bảo vệ các nhóm đối tượng trên và phù hợp với Điều 16 của Công ước chống tra tấn.

(3) Thành lập Tổ công tác liên ngành về thực hiện Công ước chống tra tấn nhằm xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn và tham dự Phiên đối thoại với Ủy ban Chống tra tấn.

(4) Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn, trong đó có nghiên cứu thiết lập mối quan hệ hợp tác với các quốc gia thành viên Công ước để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về tổ chức, biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn;

(5) Các nội dung cần thiết khác để triển khai thực hiện Công ước, trong đó có: Rà soát các quy định pháp luật liên quan và đánh giá điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện…; đề xuất phương hướng, lộ trình khắc phục; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm về thực hiện Công ước.

Đến nay, hầu hết các nhiệm vụ được đề ra tại Kế hoạch (trừ các nhiệm vụ mang tính dài hạn như phổ biến, giáo dục pháp luật, rà soát pháp luật, hợp tác quốc tế, đánh giá và nâng cao điều kiện cơ sở vật chất nơi giam giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc…) đã được hoàn thành.

Tác giả bài viết: Ngọc Khánh

Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thủ tục hành chính
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỆ THỐNG VĂN BẢN CHÍNH PHỦ
TRA CỨU VĂN BẢN
cong khai ngân sách
gop y du thao
CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ
Internet Speed
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay1,411
  • Tháng hiện tại60,469
  • Tổng lượt truy cập1,753,937
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây