Rừng có vai trò to lớn đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: sản xuất nguyên liệu thô, tạo ra oxy, phân bón, thuốc trừ sâu, điều tiết không khí, là nơi trú ngụ tự nhiên và lưu trữ những hệ gen quý giá, giữ đa dạng sinh học, ngăn chặn được bão lũ lụt tàn phá đất đất liền, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống sạt lở núi, đảm bảo duy trì sự sống, bảo vệ tính mạng của con người.
Sự tồn tại của rừng và cuộc sống đã trở thành một mối quan hệ hữu cơ. Không có một dân tộc, một quốc gia nào không hiểu được vai trò to lớn của rừng đối với cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay ở nhiều nơi con người đã không bảo vệ tốt rừng, vẫn chặt phá cây rừng vô tội vạ khiến nguồn tài nguyên rừng chậm được khôi phục và dần bị suy kiệt, nhiều nơi rừng không còn có thể tái sinh, đất trở thành đồi núi hoang, cát, nước chảy tạo nên những cơn lũ cuốn trôi chất dinh dưỡng, làm ngập lụt, xói lở các khu vực đồng bằng gây tổn thất lớn đối với của cải, tính mạng Nhân dân. Vai trò của rừng đối với công tác bảo vệ môi trường đang trở thành chủ đề thời sự và mối lo của cả nhân loại.Rừng điều tiết nước, phòng tránh ngập lụt, xói mòn: rừng có vai trò điều hoà nguồn nước, giảm dòng chảy bề mặt, biến CO2 thành lượng nước thấm dưới đất từ các mạch nước ngầm. Khắc phục được xói mòn đất, hạn chế bồi lắng lòng sông, lòng hồ và điều hoà lại dòng chảy của những con sông, con suối (tăng sản lượng nước sông, nước suối vào mùa kiệt; giảm lượng nước sông suối vào mùa mưa).
Rừng bảo vệ độ bền và phát triển tự nhiên của đất: ở nơi có nhiều rừng thì dòng chảy bị khống chế, tránh khỏi sự xói mòn, còn trên đồi núi dốc tác dụng đó có ý nghĩa hơn, vì lớp đất bề mặt không bị mỏng, các đặc tính lý hoá và sinh học của đất không bị thay đổi, độ màu mỡ vẫn tồn tại. Rừng cũng thường xuyên tạo phân hữu cơ. Điều này thể hiện ở quy luật cơ bản: rừng tốt hình thành nên đất đẹp và đất tốt giữ lại rừng tốt.
Đất ngập nước Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát
Ngoài ra rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc: ngăn cát di chuyển ven bờ, che chắn môi trường đất đai bên trong nội địa, rừng bảo vệ đê biển, phòng hộ vùng chua phèn, cung ứng gỗ và lâm sản, Rừng nơi trú ngụ của số đông các loài động thực vật: Động vật rừng nguồn cung cấp thức ăn, dược liệu, nguồn gen quý hiếm, da lông và sừng thú là các mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Rừng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Để môi trường tự nhiên của chúng ta không bị phá huỷ thì chúng ta phải bảo vệ và phát triển cây rừng tốt hơn nữa. Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta, là việc làm có ý nghĩa quan trọng, cần sự đoàn kết và đồng lòng của mọi người. Vì sức khoẻ và cuộc sống của chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ rừng và màu xanh thiêng liêng của đất nước.
Tác giả bài viết: Ngọc Khánh
Nguồn tin: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ - SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TÂY NINH
Ý kiến bạn đọc